Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Sơ Lược Quan Điểm Thần Học Cơ Đốc Giáo – Phần 5

Sơ Lược Quan Điểm Thần Học Cơ Đốc Giáo – Phần 5

Bible_32

Giai Đoạn 4

Thần Học Thời Cải Cách (1517-1648)

Thời Cải Cách là thời phản kháng quyền hành của giáo hội trong nội bộ giáo hội, đặc biệt là quyền hành của Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh La-mã, và cũng là thời khai sinh phong trào phản kháng (Protestantism), tức phong trào mà ngày nay được mang tên là Tin Lành (trong Việt Ngữ). Cho nên nếu nói “Đạo Tin Lành” là “Protestant” thì Đạo Tin Lành chỉ mới bắt đầu từ thế kỷ 16; còn nếu nói Tin Lành là euangelion, nghĩa là “Tin Mừng” (Good News) thì có thể coi như bắt đầu từ khi Chúa giáng sinh (Lu-ca 2:10) giống như anh chị em Công Giáo, Chính Thống Giáo, và Cơ-đốc Giáo Ai-cập.

Lý Do Dẫn Đến Sự Cải Cách Giáo Hội

Những yếu tố quan trọng dẫn đến sự phản kháng quyết liệt đối với quyền hành của các vị giáo hoàng gồm:

Sự sụp đổ của Constantinople

Về phương diện chính trị, Constantinople (Istanbul ngày nay) ở Thổ Nhĩ Kỳ, kinh đô của Giáo Hội Phương Đông, rơi vào tay quân Hồi Giáo năm 1453 là một đòn chí tử cho Cơ-đốc Giáo ở phương đông. Điều đáng buồn là Giáo Hội Phương Tây không hề muốn giúp đỡ Giáo Hội Phương Đông khi anh chị em của họ bị lâm nguy, bởi vì hai bên vốn tranh giành quyền lực và hiềm khích với nhau. Có thể nói Giáo Hội Phương Tây còn mừng thầm khi thấy Giáo Hội Phương Đông bị bại và bị tiêu diệt dưới tay quân Hồi Giáo. Tuy nhiên quân Hồi Giáo không ngừng lại ở phương đông. Sau đó quân Hồi Giáo tiếp tục tấn công vào Âu Châu là vùng ảnh hưởng của Giáo Hội Phương Tây. Lúc bấy giờ cả Giáo Hội Phương Đông và Giáo Hội Phương Tây đều yếu kém và nhu nhược về mọi phương diện, đặc biệt là thiếu năng lực thuộc linh.

Sự hiểu biết Kinh Thánh cách trực tiếp

Cho đến bấy giờ hầu hết con cái Chúa không biết rõ Kinh Thánh dạy gì, ngoại trừ những điều các vị lãnh đạo giáo hội cho đọc và giảng dạy ở giáo đường. Vì thế John Wycliffe (1320-1384) ở Anh Quốc, John Hus (1369-1415) ở Tiệp Khắc, và Desiderius Eramus (1466-1536) ở Hòa Lan, đã lấy can đảm và tự động dịch Kinh Thánh từ nguyên ngữ ra tiếng địa phương, rồi phổ biến và giảng dạy các sứ điệp của Kinh Thánh. Họ khuyên các Cơ-đốc nhân hãy đọc Kinh Thánh, tìm hiểu Lời Chúa dạy, và mạnh dạn làm theo Lời Chúa thay vì làm theo những điều nghịch với Lời Chúa cho dù đó là các sắc lịnh hay chỉ thị của Đức Giáo Hoàng hay của các chức sắc trong giáo hội. Các dịch giả Kinh Thánh nói trên đã bị giáo hội đàn áp cách bất công và bách hại nặng nề. Thậm chí John Hus đã bị thiêu sống.[1]

Sự băng hoại của hàng giáo phẩm

Những việc như chạy chức trong giáo hội, mua bán bùa xá tội, và sự thiếu vắng đạo đức của những người nắm giáo quyền đã làm mất lòng tin và sự kính trọng của giáo hữu và người dân. Nhiều người có tín ngưỡng nhưng không có luân lý, kể cả nhiều chức sắc của giáo hội. Tất cả những tệ nạn này đã xảy ra vì giáo dân bị bưng bít thông tin, kiểm soát tư tưởng, đàn áp trí thức, khủng bố kinh tế, và nạn bè phái phe đảng trong giới giáo quyền. Các giáo dân không được phép biết gì hơn những gì được những người lãnh đạo giáo hội cho biết. Họ không được phép suy nghĩ và phát biểu điều gì khác hơn những lẽ đạo do giới lãnh đạo chủ trương.  Giáo quyền và chính quyền toa rập với nhau. Chỉ có người dân và tín hữu chân chất là chịu thiệt thòi và đau khổ.

Những Nhà Cải Cách Giáo Hội

Vì thế Chúa đã dấy lên những nhà lãnh đạo công cuộc cải cách giáo hội. Ba nhà lãnh đạo chính của Thời Cải Cách là Martin Luther (1483-1546) người Đức, John Calvin (1509-1564) người Pháp, và Ulrich Zwingli (1484-1531) phục vụ Chúa với người Thụy-sĩ nói tiếng Pháp.

Ngày 31-10-1517 Linh Mục Martin Luther đóng 95 luận đề trên cánh cửa nhà thờ ở Wittenberg, Đức Quốc, để thách thức những người lãnh đạo giáo hội về những sai trái của giáo hội thời bấy giờ. Hành động đó đã chính thức châm ngòi cho phong trào cải cách giáo hội vốn đã âm ỉ từ lâu.

Dĩ nhiên sau đó Martin Luther phải trốn tránh mới có thể sống còn mà tiếp tục lãnh đạo công cuộc cải cách giáo hội trong những năm kế tiếp.  Có thể nói nhờ sự phản kháng này mà Cơ-Đốc Giáo nói chung -gồm Công Giáo, Chính Thống Giáo, Cơ-đốc Giáo Ai-cập, và Tin Lành- đã rút kinh nghiệm để được cải thiện và trở nên tốt đẹp hơn như chúng ta thấy ngày nay.

Quan điểm thần học của Martin Luther

Martin Luther (1483-1546) là một linh mục Công Giáo người Đức. Ông tin rằng chúng ta được xưng công chính hay được cứu chỉ bởi đức tin (sola fide) chứ không phải nhờ làm theo những gì giáo hội dạy bảo. Thẩm quyền cho đời sống theo Chúa chỉ dựa vào sự dạy dỗ của Kinh Thánh (sola Scriptura) chứ không phải dựa vào giáo hoàng, giáo hội, và giáo luật. Theo ông, chỉ có hai phép bí tích được công nhận là báp-têm và tiệc thánh, vì chính Đức Chúa Jesus đã truyền phải thi hành hai thánh lễ ấy. Luther không tin vào biến thể thuyết (transubstantiation) như chủ trương của giáo hội lúc bấy giờ hay của anh chị em Công Giáo ngày nay, nhưng ông tin vào sự hiện diện của Chúa qua bánh và chén (consubstantiation). Luther khuyến khích mọi con dân Chúa học và nghiên cứu Kinh Thánh để hiểu biết lẽ thật cho chính mình. Chính Luther đã dịch Kinh Thánh ra tiếng Đức cho người Đức để họ có thể đọc và hiểu Kinh Thánh nói gì.

Về sau quan điểm của Luther được khai triển để trở thành giáo lý rằng con người được xưng công chính chỉ nhờ ân sủng (sola gratia), chỉ qua đức tin (sola fide), và chỉ dựa trên Kinh Thánh (sola Scriptura) mà thôi.[1]

Quan điểm thần học của John Calvin

John Calvin (1509-1564) có đồng quan điểm với Luther về những điểm chính của phong trào phản kháng. Ông tin rằng Kinh Thánh có thẩm quyền trên mọi vấn đề của đức tin. Lúc 26 tuổi ông đã soạn bộ tài liệu, viết cho Hoàng Đế Pháp, để biện giải và binh vực cho phong trào phản kháng mà ngày nay được gọi là Tin Lành. Ông tin rất nhiệt thành vào quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời và sự định trước của Ngài (thuyết tiền định, predestination).[1] Ông chủ trương dùng Kinh Thánh để giải nghĩa Kinh Thánh.

Về tiệc thánh, ông tin vào sự mầu nhiệm thuộc linh khi ăn bánh và uống chén như thể tiếp nhận chính thân và huyết Chúa vào người. Ông không đồng ý với biến thể thuyết của Giáo Hội Công Giáo hoặc hiện diện thuyết của Martin Luther hoặc biểu tượng thuyết của Ulrich Zwingli. Có thể tạm gọi quan niệm của John Calvin là mầu nhiệm thuyết.

Ngày nay Giáo Hội Trưởng Lão, khởi xướng từ Scotland, chịu ảnh hưởng sâu đậm quan điểm thần học của Calvin.

Quan điểm thần học của Ulrich Zwingli

Ulrich Zwingli (1484-1531) là một linh mục nhưng ông không chấp nhận giáo quyền tuyệt đối của giáo hoàng. Ông cho rằng chỉ Kinh Thánh mới vô ngộ. Ông tin rằng khi thắc mắc về lẽ đạo thì hãy dùng Kinh Thánh để giải thích. Chính Đức Thánh Linh sẽ dùng Kinh Thánh làm sáng tỏ những chỗ còn chưa rõ. Ông mạnh mẽ cổ súy cho việc linh mục lập gia đình, dẹp bỏ mọi ảnh tượng trong nhà thờ, vì có thể làm cớ vấp phạm cho người ta thờ hình tượng, và ông hạ thấp vai trò của lễ tiệc thánh (lễ mi-sa, Mass) xuống, chỉ còn là để tưởng nhớ mà thôi.[1] Ông bất đồng quan điểm với Luther về lễ tiệc thánh. Theo ông, rao giảng Lời Chúa mới là trọng tâm của giờ thờ phượng. Do đó tòa giảng phải ở giữa và ở trước, trong thánh đường. Tiệc thánh chỉ để tưởng nhớ và chỉ có tính cách biểu tượng mà thôi; vì thế không cần làm tiệc thánh hằng tuần; khi nào làm cũng được.

Tưởng cũng nên nhắc rằng cho đến bấy giờ truyền thống của giáo hội là cử hành lễ tiệc thánh hằng tuần, và trong giáo đường tòa giảng phải ở một bên còn bàn tiệc thánh tiêu biểu cho sự hiện diện của Chúa phải ở trước và giữa. Nhưng theo ông, tiệc thánh chỉ có giá trị làm biểu tượng và để tưởng nhớ sự thương khó của Chúa chứ không có mầu nhiệm thiêng liêng nào khác, còn giảng Lời Chúa mới là quan trọng. Do đó ngày nay những giáo hội chịu ảnh hưởng của Zwingly thường đặt tòa giảng ở giữa cung thánh trong nhà thờ, và thỉnh thoảng hoặc mỗi tháng mới cử hành lễ tiệc thánh một lần.

Cả ba nhà lãnh đạo Luther, Calvin, và Zwingli đều tin rằng con người hoàn toàn băng hoại và không thể làm gì để tự cứu được. Họ tin rằng Đấng Christ đã chết thay cho con người để làm thỏa mãn công lý của Đức Chúa Trời. Do đó chỉ những người tin nhận công ơn cứu chuộc của Ngài mới hưởng được mầu nhiệm của ơn cứu rỗi. Chúng ta được cứu vì chúng ta được kết hiệp một cách thiêng liêng với Đấng Christ qua sự chết và sự sống lại của Ngài.

Cả ba nhà lãnh đạo phong trào cải cách đều tin vào phép báp-têm cho trẻ thơ (infant baptism), vì họ tin vào ân sủng tiền hộ (prevenient grace) tức ân sủng của Đức Chúa Trời đối với chúng ta trước khi chúng ta biết và tin thờ Ngài, và họ tin rằng phép báp-têm là phương tiện để kết hiệp một người vào Hội Thánh.

Trong khi đó những người chủ trương làm báp-têm lại (Anabaptist) thì tin rằng Hội Thánh chỉ gồm những người đủ lý trí để tin và chịu báp-têm. Do đó trên nguyên tắc thì trẻ thơ, dù là con của tín hữu, nhưng chưa đủ trí khôn để hiểu, để tin, và chưa được báp-têm, thì cũng chưa thuộc vào Hội Thánh. Dù vậy trên thực tế, những người tin vào sự báp-têm lại, tức không nhìn nhận phép báp-têm cho trẻ thơ có giá trị, đều tin rằng dù con thơ của họ chưa được làm báp-têm nhưng chúng vẫn là những phần tử trong Hội Thánh. Để hợp thức hóa điều này họ tổ chức lễ dâng con cho Chúa.

Thiết tưởng cũng nên nói thêm ở đây rằng ngày nay nhiều hội thánh chỉ làm báp-têm cho trẻ thơ nhưng không dâng con cho Chúa, bởi vì tục dâng con chỉ dành cho đứa con đầu lòng của những người theo Do-thái Giáo chứ không phải của Cơ-đốc Giáo. Thậm chí có người còn cực lực phản đối sự dâng con, vì họ cho rằng việc dâng con làm họ liên tưởng đến việc giết con thơ để tế thần của những người theo tà đạo. Ngoài ra họ còn cho rằng con cái có quyền riêng trên cuộc đời nó. Chính nó tự quyết định dâng cuộc đời nó cho ai chứ không phải cha mẹ có quyền đó trên đời sống nó. Cha mẹ đem dâng nó cho thần nào, dù là dâng cho Chúa đi nữa, là lạm dụng quyền làm cha mẹ của mình. Vì thế họ chỉ chấp nhận phép báp-têm cho trẻ thơ, giống như người Do-thái làm phép cắt bì cho con trai lúc tám ngày (Sáng 17:12), tức cho nó được trở thành một phần tử trong giao ước với Chúa mà thôi.

Hậu Quả của Phong Trào Cải Cách Giáo Hội

Thần Học Thời Cải Cách đã dẫn đến sự thành hình nhiều giáo hội Tin Lành như Lutherans, Reformed, Anabaptist, Anglican, v.v.  Từ trong mỗi giáo hội lại nảy sinh ra nhiều giáo phái vì bất đồng quan điểm về tín lý hoặc tổ chức trong nội bộ của các giáo hội. Ví dụ: Methodist ra từ Anglican. Sau đó mỗi giáo phái lại sinh ra nhiều hệ phái. Ví dụ: Baptist có hàng trăm hệ phái cũng mang tên Baptist nhưng độc lập với nhau.

Ngoài vấn đề thần học, các nhà cải cách giáo hội đã giảng dạy cho những người ủng hộ họ phải nổ lực làm việc để có thể làm giàu và tự túc về kinh tế. Họ giảng về “đạo đức làm việc của người Tin Lành” (Protestant work ethic). Sự dạy dỗ này đã dẫn đến chủ nghĩa tư bản (capitalism) như chúng ta biết ngày nay.[1] Điều này thật khác xa với quan niệm “Làm giàu tôi không ham Chúa ôi, bạc vàng phù vân đấy thôi” của người Tin Lành Việt Nam.

Hơn thế nữa, phong trào cải cách giáo hội cũng gieo tư tưởng độc lập và khai phóng, chống lại chủ nghĩa độc tài, phong kiến, và chuyên chính. Có thể nói sự giảng dạy của những nhà cải cách giáo hội và những người kế tiếp họ đã dẫn đến quan niệm tự do và dân chủ như chúng ta thấy rất phổ thông trong nhiều nước trên thế giới ngày nay.

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top