Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Giảng Luận » Mục sư Đặng Ngọc Báu: Môn Đồ Của Chúa

Mục sư Đặng Ngọc Báu: Môn Đồ Của Chúa

 

Môn Đồ Của Chúa

Chúng ta gọi nhau bằng nhiều danh hiệu khác nhau: tín đồ, Cơ đốc nhân, môn đồ của Chúa, v.v..  Khi chúng ta tự nhận mình là môn đồ của Chúa, chúng ta mặc nhiên xác nhận Đức Chúa Giê-xu là vị Tôn Sư và chúng ta là học trò.  Chúng ta học trực tiếp với Chúa mỗi ngày.

Trường nào thường cũng có nhiều lớp để dạy cho thích hợp với trình độ của sinh viên học sinh, nhưng trường của Chúa, do chính Chúa dạy, thì khó sắp lớp được.  Bởi vì ai nấy đều có trình độ thuộc linh khác nhau.  Có lẽ mỗi “học trò” là mỗi lớp vậy.

Chúng ta không thể dựa vào những yếu tố như: tin Chúa lâu năm, con cháu mục sư, quen biết nhiều người lãnh đạo hội thánh, giữ những chức vụ lãnh đạo trong hội thánh, hoặc ngay cả được phong chức làm mục sư rồi, mà bảo rằng người đó là một học trò giỏi của Chúa.

Ngoại trừ những người có thiên khiếu, hầu hết những học trò giỏi đều là những người chăm học và thực hành điều đã học.  Những học trò giỏi thường tự đặt mình vào một khuôn khổ kỷ luật và chính mình phải tự khắc phục những trở ngại để chuyên cần theo học rồi đem ra thi hành.

Trong lãnh vực thuộc linh cũng thế.  Chúng ta phải tự khép mình vào một khuôn khổ kỷ luật để có thể trở thành những học trò giỏi của Chúa là vị Đại Tôn Sư của chúng ta.

Tôi xin mạn phép đề nghị mười kỷ luật thuộc linh sau đây.  Hy vọng chúng ta sẽ suy nghĩ và áp dụng.  Tin rằng chúng ta sẽ thỏa lòng khi thấy đời sống thuộc linh của mình được tiến bộ cụ thể.  Vì những kỷ luật nầy do chính Chúa đã dạy chúng ta bằng lời Ngài và bằng nếp sống của Ngài.

  1. Chiên Niệm (contemplation)

Có lẽ đây là một kỷ luật thuộc linh khá mới mẻ với người Tin Lành.  Nhưng tôi lại nghĩ nó rất cần thiết.  Vì giữa cuộc sống bon chen và bận rộn nầy, chúng ta cần phải dành thì giờ yên tĩnh để suy nghĩ và chiêm niệm Chúa.  Tất cả những thánh thi và thi ca trong Kinh Thánh là kết quả của những ngày giờ chiêm niệm của các tác giả.  Tâm linh của chúng ta tương giao với Thần của Chúa trong những lúc chiêm niệm của mình; rồi từ đó chúng ta nhận được sứ điệp của Ngài.  Dù bận rộn trong chức vụ, Chúa vẫn luôn có thì giờ để chiêm niệm.

  1. Cầu nguyện

William Carey gọi “cầu nguyện là nguồn gốc của một đời sống cá nhân thánh thiện.”  Cầu nguyện là giờ hẹn giữa chúng ta với Chúa.  Cầu nguyện là lúc “Chúa với tôi tâm giao khi Ngài đi bên tôi.”

Soren Kierkegard có lần đã viết: “Khi một người cầu nguyện, thoạt đầu người ấy tưởng cầu nguyện là nói, nhưng dần dần người ấy ít nói đi, cho đến cuối cùng người ấy nhận ra rằng cầu nguyện là lắng nghe.”

  1. Kiêng ăn

Kiêng ăn là cữ ăn vì mục đích thuộc linh.  Một vài người đã không ăn vào giờ ăn lúc 12 giờ, nhưng 1 giờ lại ăn một bữa thật no hoặc uống nước có đầy đủ chất bổ thay đồ ăn đặc, rồi bảo rằng mình đã kiêng ăn thì không đúng.

Kiêng ăn là một việc riêng tư giữa mình và Chúa.  Kiêng ăn và cầu nguyện khi được thực hành song song sẽ giúp giải quyết được nhiều khó khăn của đời sống.  Đức Chúa Jêsus đã từng kiêng ăn.  Môi-se, Đa-vít, Ê-li, Ê-xơ-tê, Đa-ni-ên, nữ tiên tri An-ne, Phao-lô, Martin Luther, John Calvin, John Wesley, Jonathan Edwards, David Brainerd, Charles Finney, v.v.. đều là những người đã kiêng ăn vì mục đích thuộc linh.  Chúng ta kiêng ăn để hoàn toàn tập trung tư tưởng vào Chúa.  Đây là một kỷ luật tốt.

  1. Học hỏi

Tri thức trong bất cứ lãnh vực nào cũng không tự nhiên mà có.  Chúng ta phải học.  Đã tự nhận là môn đồ của Chúa thì chúng ta phải học với Chúa.  Bắt đầu tin Chúa là bắt đầu ghi danh vào học trường của Chúa.  Tài liệu để học cụ thể nhất là Kinh Thánh.  Kinh Thánh là tài liệu giáo khoa diệu kỳ nhất trong lịch sử nhân loại xưa nay.  Vì các học trò của Chúa ở bất cứ trình độ nào cũng có thể tự học Kinh Thánh được.  Học trò giỏi của Chúa học càng cao thâm thì càng khiêm nhường.  Những người ấy chỉ muốn cho danh của Thầy mình được tôn cao, còn tên tuổi mình thì phải chìm xuống và lu mờ đi.  Giăng Báp-tít đã nhắc chúng ta như thế.  “Ngài phải được tôn lên, còn ta phải hạ xuống” (Giăng 3:30).  Đây là điều thật trái ngược với quan niệm tìm “danh, lợi, quyền” thường tình của người đời và của những học trò dở.

  1. Sống giản dị

Cuộc sống giản dị đem lại bình an và tự do; còn sống đua đòi chỉ đưa chúng ta vào lo âu và sợ sệt.  Nhiều tôi con Chúa ngày nay chưa hiểu được lẽ thật nầy nên thường bị đau khổ.

Quyết tâm sống một cuộc đời giản dị là kết quả của một đời sống thuộc linh sâu nhiệm.  Nhiều tôi con Chúa chọn cuộc sống giản dị không phải vì họ không có khả năng hoặc bản lãnh kiếm tiền, nhưng vì họ muốn chọn một kỷ luật thuộc linh khôn ngoan và sâu sắc.  Chàng trai trẻ giàu có không bao giờ hiểu được sự phong phú và sung mãn của một cuộc sống giản dị.

“Còn những kẻ ham muốn giàu có ắt sẽ sa vào chước cám dỗ, dính vào cạm bẫy, và rơi vào những ham muốn điên rồ nguy hại: đó là những thứ khiến người ta lao mình vào sự hủy hoại và diệt vong.  Vì lòng mê tham tiền bạc và căn nguyên của mọi điều ác.  Bởi lòng ham muốn tiền bạc mà một số người đã mất đức tin, và tự chuốc lấy cho mình biết bao điều đau khổ.” (1 Ti-mô-thê 6:9-10).

Người không ham tiền chứng tỏ họ đã dứt khoát được trong tâm trí và quyết lòng chỉ thờ phượng và làm tôi của Đức Chúa Trời mà thôi (Xuất Ê-díp-tô ký 20:3), chứ họ không muốn làm tôi cho “ma môn” (tiền bạc) nữa (Ma-thi-ơ 6:24).  Những người giảng rằng tin Chúa để được giàu có là rao giảng Tin Mừng một cách phiến diện và không trung thực.

  1. Vâng lời

Có lẽ đây là một kỷ luật thuộc linh khó thực hành nhất.  Ai cũng muốn làm theo ý mình chứ ít ai muốn tuân theo sự chỉ huy của người khác.  Chúng ta không lấy làm lạ khi thấy rằng nhiều học trò của Chúa đã thách thức lời dạy của Ngài.  Tiên tri Sa-mu-ên đã quả quyết, “Sự vâng lời tốt hơn của tế lễ” (I Sa-mu-ên 15:22)

Nhiều người không hiểu rằng lãnh đạo là nghệ thuật gây ảnh hưởng.  Lắm người cứ tìm chức vụ vì nghĩ rằng nhờ chức vụ người khác sẽ tự động nghe theo mình!?

Chúng ta cần phải hiểu rằng những người lãnh đạo giỏi đều là những người vâng lời giỏi.  Đức Chúa Jêsus vâng lời Cha cách tuyệt đối.  “Không theo ý Con mà theo ý Cha.”  “Xin ý Cha được nên.”  Học trò giỏi là học trò biết noi gương Thầy và biết vâng lời Thầy.

  1. Phục vụ

Học thì phải hành.  Có kiến thức thì phải đem ra áp dụng.  Nếu không thì học thức ấy nào có giá trị gì.  Chẳng qua là những mảnh bằng treo trên tường đấy thôi.

Trong tất cả các công tác phục vụ Chúa, không có việc nào là hèn hạ cả.  Chính Chúa là vị Thầy tôn kính mà đã quỳ xuống và làm việc của một người nô lệ: rửa chân cho từng môn đồ của Ngài.  Gương phục vụ ấy dạy cho chúng ta một bài học thật vô cùng thâm thúy.

Chúng ta hãy dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân theo mức độ hiểu biết mà mình đã học được từ nơi Chúa.  Chúng ta hãy phục vụ vì kết quả đương nhiên của đời sống học với Chúa chứ không phải để được công quả hay tìm sự tri ân của loài người.

  1. Thờ phượng

Chính Đức Chúa Trời là Đấng đã tìm kiếm, bắt phục và kéo chúng ta đến với Ngài.  Thờ phượng là đáp ứng của chúng ta đối với lòng ưu ái của Chúa.  Vị Thầy của chúng ta đã trung tín thờ phượng Đức Chúa Trời.  Ngài dạy chúng ta: “Những người thật tâm thờ phượng sẽ thờ phượng Cha trong tâm linh và trong sự chân thật.  Vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy.  Đức Chúa Trời là thần linh, nên ai thờ phượng Ngài phải thờ phượng bằng tâm linh và bằng sự chân thật” (Giăng 4:23-24)

Thờ phượng là hành động cụ thể bày tỏ tấm lòng chúng ta yêu kính Chúa.  Người xưng mình là môn đồ của Chúa mà coi thường hoặc thờ ơ chểnh mảng trong sự thờ phượng Chúa thì rất đáng cho chúng ta nghi ngờ lời xưng nhận đó.

Thờ phượng tập thể là những kinh nghiệm phước hạnh rất cần thiết và bổ ích cho đời sống thuộc linh của chúng ta.  “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm” (Hê-bơ-rơ 10:25).

  1. Dâng hiến

“Đồng tiền dính liền khúc ruột.”  Tiền bạc là vật sở hữu rất giá trị của con người.  Chúng ta thường phải hy sinh nhiều điều và khó khăn lắm mới làm ra tiền.

Đem dâng cho Chúa vật có giá trị do mồ hôi nước mắt của mình làm ra là biểu hiện quý báu của một đời sống thuộc linh sâu nhiệm.  Nhưng dâng tiền cho Chúa để được loài người nhận biết và khen ngợi thì chỉ bày tỏ đời sống thuộc linh còn quá non nớt.

Tình yêu có thể được đo lường phần nào bằng tiền bạc.  Tình yêu chân thật luôn luôn tốn tiền.  Khi yêu ai chúng ta rất sung sướng được chi tiền rời rộng cho người ấy.  Khi yêu Chúa chân thành chúng ta cũng rất vui mừng được dâng tiền để hầu việc Ngài.

Chúng ta dâng tiền cho Chúa là vì lợi ích của chính đời sống thuộc linh chúng ta hơn là vì nhu cầu của công việc nhà Chúa.

  1. Rao truyền

Rao truyền về Chúa không phải là một lựa chọn nhưng là một mệnh lệnh do chính Chúa, vị Thầy tôn kính của chúng ta, truyền dạy.

Các phương cách truyền thông như diễn giảng, thư từ, điện thoại, báo chí, truyền thanh, truyền hình, internet, v.v.. là những cách rất hữu hiệu, nhưng không có cách nào hữu hiệu bằng chính nếp sống theo Chúa của chúng ta.  Khi chúng ta sống chân thành làm môn đồ của Chúa thì đó là lời làm chứng sống động nhất cho mọi người.  Hãy để Đức Thánh Linh biến hóa để đời sống chúng ta tự nhiên thành một bài giảng rao truyền về Chúa.

Thế giới chúng ta hiện có trên một tỷ người xưng mình là Cơ- đốc nhân, nhưng nào ai biết được bao nhiêu người mới là những môn đồ thật và giỏi của Chúa.  Đức Chúa Jêsus, vị Thầy tôn kính của chúng ta, đã dạy và đã sống một đời sống với một kỷ luật thuộc linh rất mẫu mực cho chúng ta.  Nguyện Đức Thánh Linh giúp đỡ chúng ta để có thể làm những học trò giỏi của Chúa qua sự chiêm niệm, cầu nguyện, kiêng ăn, học hỏi, sống giản dị, vâng lời, phục vụ, thờ phượng, dâng hiến và rao truyền.  A-men.

Mục Sư Đặng Ngọc Báu
Nguyệt San Linh Lực – Số 86


Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top