Mục sư Đặng Ngọc Báu: Mầu Nhiệm Phục Sinh
Mầu Nhiệm Phục Sinh
Tôi đứng ở bục gỗ nhìn Ground Zero, nơi các cao ốc của World Trade Center đã từng chiếm chỗ. Bây giờ chỉ còn là một khoảng trống với những đổ nát hoang tàn. Tôi chạnh nghĩ đến hàng ngàn người đã đột ngột từ trần vì lòng ghen ghét của những người Hồi giáo cuồng tín.
Gần đây chúng ta biết ở Pakistan họ đã vào nhà thờ ném lựu đạn vào các con cái Chúa đang nhóm lại. Tôn giáo mà dạy con người thành những kẻ cực đoan, quá khích, lòng đầy ghen ghét và hận thù thì thật là buồn. Cảm tạ Đức Chúa Giê-su, vì Ngài đã đến để thay đổi tấm lòng ghen ghét của con người bằng những con tim chan chứa tình thương.
Đứng trước sức mạnh của sự chết dù là cái chết của hàng ngàn người trong khoảnh khắc hay cái chết của từng người một, chúng ta đều cảm thấy cuộc đời thật là mỏng manh và ngắn ngủi. Một ngày nào còn thanh xuân, đầy mộng mơ và nhiệt huyết, bây giờ đã già và phải chết.
Đối với tôi, năm nay lễ Phục Sinh đến thật đúng lúc. Vì giữa những buồn bã của sự chết, một lần nữa chúng ta được nhắc nhở về mầu nhiệm của lễ Phục Sinh. Mầu nhiệm đó là:
I. Chúng ta đang sống
Khi chúng ta chịu báp-têm, bởi đức tin, chúng ta tin rằng chúng ta đã đồng chết với Chúa và đồng phục sinh với Ngài. Chúng ta tin rằng mình đang sống một cuộc đời mới với quyền năng phục sinh (Rô-ma 6: 3-5); Phi-líp 3:10) của Đấng Cứu Thế.
Nhiều người nghĩ lại những năm tháng đã qua trong cuộc đời mình và ước gì có được cơ hội lần thứ hai để làm lại. Khi chúng ta tin nhận Chúa (lúc chúng ta được báp-têm thuộc linh) là lúc chúng ta bắt đầu làm lại cuộc đời mình lần thứ hai rồi. Nếu người lớn nào chưa hiểu rõ mầu nhiệm ấy, thì ngay khi chịu báp-têm, người ấy cần phải ý thức rõ điều ấy.
Trong quá khứ chúng ta có quá nhiều lầm lỗi, nhưng bởi đức tin, chúng ta tự coi mình như đã chết rồi, những mặc cảm tội lỗi ấy không còn có quyền gì trên chúng ta nữa. Chúng ta sống cuộc đời của một người mới. Đó là lý do tại sao anh chị em Công giáo đặt cho những người thọ lễ báp-têm một tên mới, một tên thánh, để nhắc nhở rằng kể từ nay, người ấy là một người mới. Và đó cũng là một điều hay.
Trong thư gởi cho Hội Thánh Cô-lô-se, thánh Phao-lô viết: “Vậy nếu anh chị em đã được sống lại với Đấng Cứu Thế, hãy tìm kiếm những gì ở trên trời” (Cô-lô-se 3:1). Phao-lô muốn nói rằng trong phương diện thuộc linh, chúng ta đã sống lại rồi. Hướng đi của cuộc đời cần chỉnh lại cho đúng.
Cho nên, sự sống phục sinh không phải là một lý thuyết mơ hồ nhưng là một thực tại sống động, một cái gì chúng ta có thể kinh nghiệm được ngay trong cuộc sống của mình bây giờ, dù chúng ta chưa thật sự chết.
Một số anh chị em chúng ta, trước khi qua Mỹ sống, đã làm xong mọi thủ tục, đã nhận được vé máy bay, chỉ chờ ngày đi Mỹ. Lúc ấy, chúng ta dù còn ở bên Việt Nam, nhưng tinh thần đã bắt đầu phấn khởi vì biết rằng mình sẽ được vào sống hợp pháp trong nước Mỹ, rồi sẽ thành công dân Mỹ, và tương lai mình rồi sẽ đổi khác. Sự phấn khởi và niềm vui là sức mạnh giúp chúng ta đối phó với những khó khăn lúc bấy giờ. Nhưng thích thú nhất là chúng ta bắt đầu sống với tinh thần mới mẻ ngay tại quê hương mình, mặc dù chúng ta chưa thực sự bước vào sống ở Mỹ.
Trong phương diện thuộc linh, thánh Phao-lô muốn nói với các con cái Chúa tại Cô-lô-se ngày xưa và với chúng ta ngày nay rằng: Bởi sự sống lại của Chúa và bởi mầu nhiệm của lễ báp-têm, chúng ta đang sống với sức sống phục sinh; cho nên bây giờ chúng ta hãy vui hưởng sự sống với tinh thần của một người sẽ sống đời đời trong thiên đàng với Chúa vậy.
Thế nên, dù dot.com có tuột dốc, Enron có tan rã, kinh tế chậm lại, khủng bố đe dọa, chiến tranh tiếp diễn, một phần lãnh thổ của đất nước bị hiến dâng, bạn bè xấu phản bội và làm hại, người ta không thương mình nữa, sức khỏe có suy mòn, v.v…; tất cả đều không thể cản trở chúng ta sống với một tinh thần của người được hưởng sức sống và quyền năng phục sinh của Chúa được.
Ai cũng có những lầm lỗi cả, nhưng người tin thờ Chúa, biết ăn năn xưng tội, biết tiếp nhận ơn tha thứ của Chúa, sẽ có thể gạt bỏ quá khứ lầm lỗi đó qua một bên, xem như nó đã chết rồi, và bây giờ cứ vui sống những ngày ngắn ngủi còn lại trên đất như một người mới, chờ ngày bước vào hưởng nhận những mầu nhiệm phước hạnh vô tả Chúa yêu kính của chúng ta đang dành sẵn cho mình trong thiên đàng.
II. Chúng ta đều sẽ sống lại
Nhà cải chánh giáo hội Martin Luther đã nói: “Chúa của chúng ta không những đã viết lời hứa của Ngài về sự phục sinh trong những sách thánh, nhưng Ngài còn viết chúng trên những chiếc lá của mùa Xuân.”
Sự phục sinh là sứ điệp quan trọng mà Đức Chúa Trời muốn truyền đạt cho chúng ta, hoặc là qua cõi thiên nhiên hoặc qua lương tri của mình, nhưng đặc biệt nhất là qua Lời của Ngài trong Kinh Thánh.
Trong thời Chúa còn tại thế, người Sa-đu-sê không tin có sự sống lại. Trong thời của chúng ta, nhiều người cũng không tin như vậy. Nhưng chính Chúa đã xác quyết rằng sẽ có sự sống lại cho mọi người. Ngài bảo: Cha đã giao quyền phán xét cho Con, vì Con là Con Người. Chớ ngạc nhiên về điều ấy, vì giờ đến, là khi mọi kẻ trong mồ mả sẽ nghe tiếng Ngài và bước ra. Ai làm điều thiện thì sẽ được sống lại để hưởng sự sống lại để chịu phán xét.” (Giăng 5:27-29).
“Thật vậy, đây chính là ý muốn của Đấng đã sai Ta, hễ ai nhìn biết Con và tin Con, thì được sự sống đời đời. Còn Ta, Ta phải làm cho người ấy sống lại trong ngày cuối cùng.” (Giăng 6:40)
Ngoài những trường hợp lẻ tẻ có tính cách cá nhân và độc đáo, như sự sống lại của đứa con của góa phụ ở Sa-rép-ta (I Các-vua 17:17-24), đứa con của người mẹ ở Su-nem (2 Các-vua 4:17-37), xác chết bị ném vào mồ của Ê-li-sê (2 Các-vua 13:21), con gái của Giai-ru (Ma-thi-ơ 9:23-26), chàng thanh niên ở Na-in (Lu-ca 7:7-17), La-xa-rơ (Giăng 11:38-44), những người sống lại khi Chúa tắt hơi trên thập tự giá (Ma-thi-ơ 27:52-53), Ta-bi-tha (Công-vụ 20:7-12).
Kinh Thánh còn đề cập đến ba sự sống lại lớn:
- Sự sống lại của những tín đồ khi Chúa tái lâm trên không trung
Trong thư gởi cho hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca thánh Phao-lô đã viết: “Thưa anh chị em, chúng tôi không muốn anh chị em không biết gì về những người đã ngủ, kẻo anh chị em sẽ buồn thảm như những người khác, không có hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, thì bởi Đức Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời cũng sẽ đem những người đã ngủ đến với Ngài. Vì đây là lời Chúa mà chúng tôi nói cho anh chị em, đó là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại cho đến khi Chúa đến, sẽ không lên trước những người đã ngủ. Vì khi mạng lịnh ban ra, khi tiếng của vị thiên sứ trưởng và tiếng kèn của Đức Chúa Trời trổi lên, thì chính Chúa sẽ từ trời giáng lâm, và những người đã chết trong Đấng Cứu Thế sẽ sống lại trước hết; rồi chúng ta là những người đang sống, những người còn lại, sẽ cùng những người ấy được cất lên vào trong đám mây để gặp Chúa trên không trung, và như thế chúng ta sẽ ở với Chúa luôn luôn.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-17)
- Sự sống lại của những người sẽ tuận đạo trong thời kỳ đại nạn
“Tôi cũng thấy linh hồn của những người đã bị chém đầu vì làm chứng cho Đức Chúa Giê-su và cho lời Đức Chúa Trời. Những người ấy đã không thờ phượng con thú, không thờ phượng hình tượng nó, không chịu nhận dấu của nó trên trán hoặc trên tay của họ. Những người ấy được sống lại và trị vì với Đấng Cứu thế một ngàn năm. …còn những người khác thì chưa sống lại cho đến khi một ngàn năm đã mãn.. Đây là sự sống lại thứ nhất.” (Khải huyền 20:4b-5)
- Sự sống lại của mọi người còn lại
“Đoạn tôi thấy một chiếc ngai trắng lớn và thấy một Đấng ngồi trên ngai đó. Trước mặt Ngài, đất và trời đều biến mất, chẳng còn thấy đâu nữa. Tôi cũng thấy những người chết, cả lớn lẫn nhỏ, đứng trước ngai, và các sách đều mở ra. Cũng có một cuốn sách khác được mở ra, đó là sách sự sống. Những người chết đều được xét xử tùy theo những việc họ làm, như đã ghi trong các sách đó. Biển trả lại những người chết nó giữ. Tử thần và âm phủ cũng trao lại những người chết ở trong chúng. Mọi người đều được xét xử theo những việc họ đã làm. Rồi tử thần và âm phủ bị ném vào trong hồ lửa. Ai không có tên được ghi trong sách sự sống đều bị ném vào trong hồ lửa.” (Khải huyền 20:11-15)
Tôi nghĩ rằng Chúa đem sách sự sống ra, để chỉ cho những người tin Chúa một thời gian rồi bỏ Chúa, thấy rằng tên của họ đã bị xóa rồi. Việc bị xóa tên khỏi sách sự sống là điều nghiêm trọng chứ không phải chuyện thường. Chúng ta có thể tra cứu thêm ở Xuất 32:32-33, Phục 29:20 và Khải huyền 3:5. Vì thế chúng ta phải trung tín.
Cảm tạ Chúa vì Chúa đã phục sinh để ban cho chúng ta niềm vui và sức sống phục sinh hiện nay, đồng thời cũng cho chúng ta hy vọng sẽ sống lại để hưởng phước hạnh đời đời với Ngài. Ha-lê-lu-gia! Tạ ơn Chúa!
Mục Sư Đặng Ngọc Báu
Nguyệt San Linh Lực (03/2002)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org