Mục sư Đặng Ngọc Báu: Hầu Việc Chúa
Hầu Việc Chúa
Tại sao phải hầu việc Chúa chứ? Mình cần Chúa giúp, chứ theo Chúa rồi còn phải giúp Chúa nữa thì theo làm gì. Và nếu phải hầu việc Chúa thì ai phải hầu việc Chúa bây giờ? Ai cũng bận rộn với công việc, còn thì giờ đâu nữa mà hầu việc Chúa. Giả dụ như tôi muốn hầu việc Chúa thì tôi phải hầu việc như thế nào đây? Đó là những thắc mắc thông thường của một số con cái Chúa.
I. Tại sao phải hầu việc Chúa
Chúa là Đấng Toàn Năng. Ngài là chủ tể của trời đất muôn vật. Ngài đâu có cần gì. Mà nếu có cần điều gì thì Ngài có thể dùng quyền phép của Ngài để thực hiện chứ dùng loài người chúng ta làm chi cho phiền phức, mà không mấy khi công việc được hoàn hảo nữa.
Quan niệm như trên thật là hữu lý. Thật ra, Chúa đầu có cần gì. Không có mình làm, việc của Chúa cũng không vì thế mà bị bỏ, hoặc Chúa sẽ bị bó tay. Không đâu. Nếu mình không làm thì Chúa sẽ có cách khác (Ê-xơ-tê 4:14). Nếu vậy tại sao chúng ta phải hầu việc Chúa?
Chúng ta hầu việc Chúa không phải bị bắt buộc mà là vì chúng ta yêu thương Chúa, biết ơn Chúa; chúng ta muốn làm gì cho Chúa để tỏ tấm lòng kính yêu của mình dành cho Ngài. Thánh Phao-lô nói: “Vì tình yêu thương của Đấng Christ cảm động chúng tôi…” Ngài đã xả thân cho chúng ta, để chúng ta được tha tội, được cứu rỗi, được hưởng sự sống đời đời, nên chúng ta cảm động vì tình thương vĩ đại đó và muốn đáp ứng bằng sự hầu việc Ngài. Thần quyền của Đức Thánh Linh Ngài tác động trong chúng ta làm chúng ta không yên ổn được cho đến khi chúng ta được hầu việc Ngài. Được hầu việc Chúa vì thế là một đặc ân chứ chẳng phải là một sự cưỡng bách.
Có người lại nghĩ, “Tôi theo Chúa là để nhờ Chúa phù hộ tôi chứ đâu phải để tôi sẽ hầu việc Ngài.” Chúng ta thử tự hỏi: Tại sao Chúa phải cho mình theo Ngài để Ngài phải mất công phù hộ? Chúa có lợi gì khi mình theo Ngài? Hỏi tức là đã trả lời.
Trong một vài tôn giáo khác, người ta thờ một vị thần thường thường là để nhờ vị thần đó phù hộ cho mình được việc nọ việc kia theo ý mình. Khi mình cúng cho thần một số tiền hay ít hoa quả, mình mong vị thần ấy có bổn phận phải làm thỏa nguyện điều mình cầu xin. Nếu chúng ta thờ Chúa mà cũng với quan niệm trên thì chúng ta đã hoàn toàn sai lầm. Vì theo Chúa như thế chẳng khác gì một cuộc mặc cả đổi chác.
Chúng ta tin Chúa, thờ Chúa, và theo Ngài là đáp ứng lại tình yêu và ân sủng Ngài đã thực hiện cho chúng ta trên thập tự giá. Những điều chúng ta làm cho Chúa phải do lòng kính yêu Chúa thúc giục chúng ta. Những gì Chúa làm cho chúng ta cũng do tình yêu thương của Ngài dành cho chúng ta thúc đẩy Ngài làm như thế. Cho nên, tình yêu thương là điều trọng hơn những điều khác trong Cơ Đốc giáo là vậy. Nói tóm lại, tình yêu chính là động lực thúc đẩy chúng ta hầu việc Chúa.
II. Ai sẽ hầu việc Chúa
Có một số người khi nghe mấy chữ “hầu việc Chúa” là nghĩ ngay đến các vị Mục sư hay Truyền đạo, làm như thể chỉ những người nầy mới hầu việc Chúa mà thôi. Thật ra, hầu hết các vị nầy đều là những người hầu việc Chúa thật. Nhưng có một số người là Mục sư Truyền đạo ngày nay không hẳn là người hầu việc Chúa. Họ làm chức vụ của họ như một cái nghề chứ không do tình yêu Chúa cảm động và cũng không hề có sự kêu gọi đặc biệt.
Hầu việc Chúa không nhất thiết phải bỏ mọi sự mà chỉ chăm việc giảng đạo và gây dựng Hội Thánh. Hầu việc Chúa có thể là cho người khát một ly nước lạnh, cho người đói một chén cơm, cho người cô đơn một tình bạn, cho người ngã lòng một hy vọng, cho người bị hất hủi sự chấp nhận, cho người nghèo khổ một niềm tin, cho người bị áp bức sự tự do, hoặc cho người có tội sự tha thứ. Đó là hầu việc Chúa. Thăm viếng người đau, cầu nguyện cho người cần, mời người quen đến với Chúa, hát trong ca đoàn, phát tờ chương trình, ăn mặc chỉnh tề đi thờ phượng, niềm nở với mọi người, dâng tiền, nấu ăn, rửa chén, đổ rác, quét sân nhà thờ, tưới kiểng, v.v… cũng là hầu việc Chúa.
Điều gì Chúa cảm động lòng mình, mình muốn làm, và mình làm là hầu việc Chúa (Phi-líp 2:13).
Như vậy, là con cái Chúa ai cũng có thể hầu việc Chúa được. Xin chúng ta đừng nghĩ rằng hầu việc Chúa chỉ là việc của Mục sư Truyền đạo mà phải nhận thức rằng hầu Chúa là việc của tất cả chúng ta.
III. Hầu việc Chúa như thế nào?
Động từ “hầu việc” trong ngôn ngữ của mình có một ý nghĩa rất bao quát. Tuy nhiên, trong Kinh Thánh Tân Ước, tiếng Hy-lạp phải dùng đến ít nhất là ba chữ để diễn tả ý niệm trên.
Động từ “diakonéo” được dùng để mô tả hành động phục vụ giống như của một người hầu bàn trong một tiệm ăn. Ma-thê đã dùng chữ nầy để thưa với Chúa về việc em gái mình là Ma-ri chỉ để một mình lo hầu việc Chúa (Lu-ca 10:40). Chức vụ chấp sự mà chúng ta có trong Hội Thánh ngày nay, có nguyên gốc chính là chữ “diákonos”, tức danh từ của động từ “diakonéo” nầy. Như thế hầu việc Chúa là phục vụ Chúa giống như người hầu bàn phục vụ khách hàng vậy. Chúng ta phải luôn luôn làm sao cho Chúa hài lòng mới được.
Một chữ khác trong tiếng Hy-lạp là “douleúo,” có nghĩa đen là làm nô lệ, ra từ chữ “doulós” là người nô lệ. Thánh Phao-lô nói với các trưởng lão ở thành Ê-phê-sô rằng: “Tôi hầu việc Chúa (douleúo) cách khiêm nhường, phải nhiều nước mắt..” (Sứ đồ 20:19). Như vậy, hầu việc Chúa ở đây được hiểu như là tự mình tình nguyện làm một nô lệ để phục vụ Chúa. Người nô lệ không có quyền tự chủ hoặc tự do riêng nữa, mà bị lệ thuộc hoàn toàn vào người chủ. Người hầu việc Chúa cũng phải có tinh thần như vậy.
Chữ thứ ba là chữ “latreúo”. Dường như động từ nầy không được dùng để chỉ về sự hầu việc ai, ngoài Chúa. Khi dùng “latreúo” để nói về hầu việc là Kinh Thánh luôn luôn nói đến hầu việc Chúa. Chúa Giê-xu bảo ma quỷ, “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc (latreúo) một mình Ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:10).
Thế thì hầu việc Chúa là việc đương nhiên phải làm vậy. Riêng chúng ta là những người được làm con Chúa, chúng ta nên nhớ rằng: Chúa cứu chúng ta là để chúng ta được vinh dự hầu việc Ngài (Ê-phê-sô 2:8-10). Mong bạn chưa hầu việc Chúa sốt sắng hơn. Nếu bạn chưa hầu việc Chúa thì hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Mong lắm thay.
Mục sư Đặng Ngọc Báu
Nguyệt San Linh Lực (01/11/1993)
Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org