Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Đỗ Lê Minh: Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin

Đỗ Lê Minh: Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin

Đỗ Lê Minh: Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin

Giới Thiệu Sách:

Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin

Đỗ Lê Minh

Đỗ Lê Minh là một sinh viên Việt Nam du học tại Úc từ năm 1968.   Sau tháng Tư năm 1975, tác giả hòan tất chương trình Tiến sĩ Toán tại University of New South Wales, Australia.  Trong thời gian tại Úc, ông tham gia một số công tác thiện nguyện  với cộng đồng người Việt.   Thoát chết sau một tai nạn xe hơi, tác giả nhận thấy sự mong manh của cuộc đời, Tiến sĩ Đỗ Lê Minh có dịp tìm hiểu về niềm tin của người Tin Lành và sau đó tiếp nhận Chúa

Một thời gian sau,  Tiến sĩ Đỗ Lê Minh sang Hoa Kỳ dạy học tại California State University, Fullerton.  Hiện nay, Tiến sĩ Đỗ Lê Minh là Giáo sư ngành Quản Trị Doanh Nghiệp tại  California State University, Fullerton.  Bên cạnh công việc giảng dạy, ông cũng là Mục sư của Hội Thánh Tin Lành.

Tiến sĩ Đỗ Lê Minh xuất thân từ một gia đình theo đạo Phật.  Trong tác phẩm Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin, dựa trên kinh nghiệm cá nhân và lý luận phân tích của một nhà khoa học, tác giả trình bày vì sao ông tin nhận Chúa.  Một số tín lý căn bản của Cơ Đốc giáo được tác giả trình bày trong bối cảnh văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Tác phẩm Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin được xuất bản từ giữa thập niên 1980 và được tái bản vài lần.  Chúng tôi chân thành cảm ơn tác giả cho phép phổ biến sách  Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin tại Thư Viện Tin Lành.

Ban Biên Tập trân trọng giới thiệu tác phẩm Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin  và Thư Viện Tin Lành sẽ lần lượt giới thiệu  cùng bạn đọc.  Hy vọng cuốn sách sẽ trả lời một số thắc mắc cho những bạn đọc đang tìm hiểu về niềm tin của người Tin Lành và đức tin nơi Chúa Giê-xu.

Dưới đây là mục lục và lời mở đầu của cuốn sách.

Thư Viện Tin Lành
Tháng 7/2012

Lời Mở Đầu

Trước kia, khi chưa biết rõ về Tin Lành, mỗi khi nghe nói đến đạo này, tôi vẫn cho rằng đây là đạo chuyên dạy con người ăn hiền ở lành. Mặc dầu tôn trọng tất cả những cố gắng nhằm nâng cao đời sống đạo đức của con người, tôi không chú ý đến Tin Lành, vì nghĩ rằng xưa nay đã có biết bao nhiêu nhà hiền triết, bao nhiêu lý thuyết gia nhắm vào mục đích này, nhưng có mấy ai thành công? Hơn nữa, lúc ấy tôi vẫn nghĩ mình đã theo đạo Phật; còn Tin Lành nếu chỉ dạy con người biết sống cho đẹp lòng nhau, thì có gì khác hơn đạo Phật, hay những đạo khác? “Ðạo nào cũng tốt, cũng dạy con người ăn hiền ở lành” là quan niệm của hầu hết người Việt Nam, và tôi từng đồng ý với quan niệm đó.

Một lý do nữa khiến lúc đó tôi không mấy quan tâm đến Tin Lành là vì tôi đã mất tin tưởng một phần nào vào các tổ chức tôn giáo. Có lẽ như nhiều người khác, tôi đồng hóa động từ “theo đạo Tin Lành” với “gia nhập tổ chức Tin Lành” cũng như “theo đạo Phật” với “gia nhập tổ chức Phật Giáo.” Tôi đoán, cũng như các tôn giáo khác, Tin Lành cũng có một hệ thống giai cấp, và càng leo lên nấc thang tổ chức càng cao thì càng “đắc đạo.” Thế mà, sau khi quan sát hành động và thái độ của một vài bậc lãnh đạo tôn giáo, tôi cảm thấy thật thất vọng. Ðôi khi, thất vọng chỉ vì thấy họ cũng không khác chi người thường.

Từ thất vọng, tôi đi đến chỗ nghi ngờ giá trị của tôn giáo. Vào Tin Lành, hay một đạo nào khác, tôi có được lợi gì hơn là chỉ để leo lên một hệ thống giai cấp do con người đặt ra? Có thể tiêu chuẩn tiến thân trong các tổ chức tôn giáo khác với tiêu chuẩn tiến thân ngoài đời: ngoài đời ta cần sự thông minh, tài tháo vát…, còn trong tôn giáo, ta cần một đời sống đạo đức, một lòng tuân phục hiến dâng. Nhưng thiển nghĩ, trên căn bản, cả hai vẫn là một: các mỹ đức phải được phô bày, các thành quả phải được người khác công nhận và nhờ đó mới nhận được phẩm trật cao cả. Ðiều khó là làm sao ta có thể biết được mặt trái của con người, làm sao ta có thể đọc những ý tưởng xấu xa thầm kín, được che đậy sau những lời nói ngọt ngào êm dịu. Và dù cho ta có thể thấy rõ mặt trái của con người, thì những điều các tổ chức tôn giáo đem lại phỏng có giá trị gì hơn những điều xã hội cung hiến? Phải chăng các tổ chức tôn giáo chỉ là sản phẩm của con người nhằm thay thế một cách tế nhị giai tầng xã hội bên ngoài?

Tôi biết tôi quá khắt khe khi nhìn các tổ chức tôn giáo như vậy. Tôi công nhận rằng bất cứ tổ chức nào cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh” và hành vi của những “con sâu” này thường được lưu ý, phê bình và đồn đãi nhiều hơn những hành động tốt âm thầm của những kẻ thật lòng. Tuy nhiên, dù ý thức điều đó, tôn giáo vẫn không quyến rũ tôi được.

Tôi muốn thấy tôn giáo chú tâm dạy con người phương cách vượt lên trên thân phận làm người, và các tổ chức tôn giáo chỉ là một phương tiện để nâng đỡ, khuyến khích hay nhiều lắm là một ông thầy. Trong lãnh vực tôn giáo, mỗi cá nhân phải đơn thân lầm lũi, âm thầm bước đi đến đích bằng sự cố gắng và khả năng của chính mình.

Ðiều tôi thấy không ổn qua cái nhìn này là nếu mục đích nhắm đến là một cái gì cao xa diệu vợi thì, với khả năng hạn hẹp của con người, chúng ta không thể nào đạt được. Còn nếu mục đích nhắm đến chỉ là một cái gì tầm thường như chức tước trong các tổ chức đã bàn trên thì không đáng cho chúng ta bận tâm.

Thử lấy một ví dụ: chúng ta được dạy rằng những nấc thang đưa đến Thiên Ðàng chính là những điều thiện ta làm. Nếu Thiên Ðàng thật sự là một nơi đầy vinh hiển cao sang, không còn nước mắt và khổ đau, thì có ai dám nói rằng mình đã làm đủ điều thiện để có thể vào đó? Hơn nữa, thế nào mới gọi là đủ? Ban phát vài triệu đô-la hay chỉ lâu lâu bố thí ít quần áo cũ cho người nghèo? Tôi e rằng nếu thật sự nhìn vào những hành động của mình, chúng ta còn phải nghi ngờ không biết mình có xứng đáng được sống trên thế gian này hay không.

Ðã thế, nếu chúng ta cộng điểm khi làm việc thiện thì cũng phải trừ điểm khi phạm điều ác. Hành vi độc ác sẽ là con mối gậm nhấm nấc thang đưa chúng ta đến Thiên Ðàng, và ý tưởng xấu xa sẽ là những bãi lầy làm chúng ta càng lún sâu vào tăm tối. Tôn giáo nhắm đến mục đích cao xa nhưng lại dựa vào khả năng hạn hẹp của mỗi cá nhân chỉ làm cho những kẻ biết mình càng thêm ngao ngán xót xa.

Có cái nhìn về Tin Lành, hay tôn giáo nói chung, như vậy mà cuối cùng tôi lại viết cuốn sách này. Vì khi biết rõ về Tin Lành, tôi khám phá ra rằng Tin Lành không phải chỉ chú tâm dạy con người ăn hiền ở lành, cũng không phải là một tổ chức trên đời, hay là một ông thầy vạch con đường để ta phải âm thầm tự bước đi. Tôi khám phá ra rằng bước vào Tin Lành là bước vào một mối tình, hay đúng hơn là hàn gắn lại được mối tình đã có lần tan vỡ.

Đỗ Lê Minh

MỤC LỤC

Lời mở đầu

1

Phần một  
Chương 1 Giê-xu không là một vĩ nhân

4

Chương 2 Ngài hành đạo…

10

Chương 3 … và sống lại

20

Phần hai  
Chương 4 Tôi tội, tối, tồi

30

Chương 5 Tình yêu Thiên Chúa

43

Chương 6 Ăn năn và tin

53

Phần ba  
Chương 7 Nhưng…

61

Chương 8 Kinh Thánh

69

Chương 9 Khoa học

78

Phần bốn  
Chương 10 Về từ trên đó

89

Chương 11 Ðức Thánh Linh

98

Chương 12 Những điều khó hiểu

108

Lời Cuối

115

Thư Viện Tin Lành (2012)
www.thuvientinlanh.org

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top