Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Tài Liệu » Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin – Chương 12

Cho Tôi Chia Xẻ Niềm Tin – Chương 12

CHƯƠNG 12

NHỮNG ÐIỀU KHÓ HIỂU

 Như đã nhấn mạnh trong những chương trước, chúng ta chỉ là con người hữu hạn và có nhiều điều liên quan đến Thượng Ðế nằm ngoài khả năng lý luận của chúng ta; phần lớn là những điều chúng ta không cần, hay không có quyền biết đến. Tuy nhiên, có một vài điều Thượng Ðế muốn chúng ta biết, mặc dầu chúng ta không thể thấu hiểu hay giải thích được. Trong chương nầy, chúng ta sẽ nhìn đến một vài điều như vậy.

Nhưng trước hết, tôi xin nhấn mạnh rằng có nhiều điều liên quan đến Thượng Ðế, mặc dầu đi ngược lại với lý trí của con người, không phải là sai lầm. Luận lý là sản phẩm của con người và con người là sản phẩm của Thượng Ðế. Thượng Ðế vì vậy cao hơn luận lý và chúng ta không thể nào ép Ngài vào khuôn khổ suy luận giới hạn của chúng ta. Giả sử có một em bé chỉ vừa mới biết đếm 1, 2, 3…. Nếu ai hỏi em hai trừ một là mấy, em có thể trả lời được. Tuy nhiên, nếu ta hỏi em một trừ hai thành bao nhiêu, em sẽ cho câu hỏi là vô lý, vì em không có khái niệm về số âm. Cũng vậy, toán học của con người khác với toán học trên Thiên Ðàng; chẳng hạn như trên đó, một là ba và ba là một. Ðối với những khó khăn nầy, người tin Chúa không cho là vô lý và cũng không tìm cách giải thích, vì lời giải thích nào cũng không đúng, có thể phạm thượng và có ảnh hưởng không tốt đến niềm tin.

Có lẽ người tin Chúa đã cảm nhận được một trong những điều huyền bí đó qua kinh nghiệm sống của họ. Theo Kinh Thánh, họ hiểu rằng trên Thiên Ðàng có “Ba Ngôi”: Chúa Cha, Chúa Cứu Thế Giê-xu và Chúa Thánh Linh. Chúa Cha sáng tạo vũ trụ, Chúa Giê-xu hy sinh cứu chuộc nhân loại, và Chúa Thánh Linh ban cho họ đời sống mới và hướng dẫn họ trên đời. Trên lý thuyết, họ biết rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu đã trở về Thiên Ðàng, ngồi bên tay phải Chúa Cha và gởi Ðức Thánh Linh xuống trần gian. Thế mà trong đời sống tin kính hằng ngày người tin Chúa có một kinh nghiệm khác: không phải chỉ một mình Ðức Thánh Linh, nhưng có một cái gì “trọn vẹn” hơn ngự trị trong họ. Họ không một mảy may cảm thấy xa cách với Chúa Cha hay Chúa Cứu Thế Giê-xu. Hai Ðấng nầy cũng gần gũi với họ như Ðức Thánh Linh. Hơn nữa, họ cảm thấy Ba Ngôi “bình đẳng” hơn nhiều. Khi hướng về Chúa Cứu Thế Giê-xu, họ không thấy Ngài khác với Chúa Cha. Họ cũng không cảm thấy rằng Thượng Ðế ban cho lòng họ một Mẹ Thánh Linh thua kém Ngài; họ thấy Mẹ cũng chính là Cha.

Qua kinh nghiệm đó, người tin Chúa thấy Ba Ngôi chỉ là một, nhưng một vẫn là ba.

Rồi người tín đồ khám phá rằng Kinh Thánh cũng nói nhiều điều giống như vậy. Tự nhiên, họ không còn thấy đây là điều mâu thuẫn nhưng chính là điều xác nhận linh cảm của họ.

Ðặc biệt là mặc dầu phân biệt Ba Ngôi, Kinh Thánh cũng nói rất rõ ràng là chỉ có một Thượng Ðế. Trong Cựu Ước, Môi-se viết, “Hỡi Y-sơ-ra-ên, hãy nghe: Giê-hô-va Ðức Chúa Trời chúng ta là Giê-hô-va có một không hai.”[i] Trong Tân Ước, Chúa Cứu Thế Giê-xu xác nhận, “Ta với Cha là một.”[ii]Cũng vậy, sứ đồ Phao-lô viết: “Chúng ta chỉ có… một Thượng Ðế là Cha mọi người, cao quí hơn mọi người, tác động trên mọi người và sống trong mọi người.”[iii]

Thật vậy, theo đúng định nghĩa, Thượng Ðế là Ðấng trên hết mọi sự, vì vậy, không thể nào có một Ðấng khác cũng trên hết mọi sự như Ngài. “Ta là Ðức Giê-hô-va, không có Ðấng nào khác; ngoài ta không có Ðức Chúa Trời nào khác nữa.”[iv] Kinh Thánh vì vậy đòi hỏi rất rõ ràng rằng người tín đồ chỉ có thể thờ phượng một Thượng Ðế. “Ta là Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi…. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác.”[v]

Rõ ràng công thức “tuy ba mà một, tuy một mà ba” này nằm ngoài khả năng lý luận của con người. Khi đối diện với sự huyền bí như vậy, đáng lẽ mỗi chúng ta phải khiêm nhường chấp nhận, có nhiều người đã tìm cách giải thích. Chẳng hạn như có người chủ trương rằng chỉ có một Thượng Ðế, và Ngài đã mang nhiều “mặt nạ” khác nhau trong chương trình cứu rỗi con người. Lối giải thích này có thể làm người ấy thêm kiêu hãnh, nhưng không thể nào thích hợp với nhiều chi tiết khác trong Kinh Thánh, chẳng hạn như việc Chúa Cứu Thế Giê-xu cầu nguyện với Chúa Cha. Bất cứ lối giải thích nào cũng phải “tảng lờ” một vài dữ kiện, và nếu gạt bỏ những dữ kiện không thích hợp, chúng ta có thể “giải thích” được mọi sự một cách dễ dàng. Xin bạn hãy đề phòng những người chỉ dùng một phần Kinh Thánh mà không đả động gì đến những phần khác không thích hợp với chủ thuyết của họ. Ðây là dấu hiệu của những “tà đạo” đang xuất hiện càng ngày càng nhiều trong những ngày cuối cùng.

Chúng ta phải vui mừng khi thấy rằng Thượng Ðế vượt trên sự hiểu biết của con người. Nếu chúng ta có thể hiểu rõ Ngài, Ngài không còn là Thượng Ðế nữa. Sự huyền bí về Ba Ngôi là một bài học nhắc rằng chúng ta không thể dựng nên Thượng Ðế theo hình ảnh của mình. Sống trên thế gian nầy, chúng ta phải chấp nhận nhiều điều chúng ta không thể thấu hiểu. Chỉ đến khi Chúa trở lại, chúng ta mới có thể biết được nhiều hơn. “Ngày nay, ta thấy sự vật phản chiếu qua một tấm gương mờ; đến ngày ấy, ta sẽ thấy rõ ràng tận mắt. Ngày nay, tôi chỉ biết đôi phần; ngày ấy, tôi sẽ biết tường tận như Chúa biết tôi.”[vi] Chúng ta có thể trông chờ đến Ngày Cuối Cùng để có thể biết thêm, nhưng giờ đây chúng ta phải sống với niềm tin, và với một lòng khiêm nhường thật sự trước mặt Ðấng Tối Cao và trước mọi người khác chung quanh.

Sự huyền nhiệm về giáo lý Ba Ngôi đưa đến một sự huyền nhiệm tương tự khác liên quan đến Chúa Cứu Thế Giê-xu: Ngài vừa là người vừa là Thượng Ðế.

Trong những chương đầu sách nầy, chúng ta đã nhìn vào những dữ kiện lịch sử để thấy rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu là Con Thượng Ðế (hay là Thượng Ðế, vì hai là một.) Mong rằng tôi đã không quá nhấn mạnh đến khía cạnh này để khiến bạn quên rằng Ngài cũng là một người như chúng ta.

Ðược sanh ra một cách bình thường bởi một người mẹ, Ngài không tức thì biết nói, biết đi, nhưng cũng phải trải qua giai đoạn trưởng thành trong thân thể và tâm trí. Trước khi hành đạo, Ngài đã đổ mồ hôi trong xưởng thợ mộc của cha mình. Trong đời hành đạo, Ngài cũng đói,[vii] mệt,[viii] ngủ,[ix] và ăn;[x] Ngài cũng giận,[xi] buồn,[xii] và vui.[xiii] Ngài cũng biết đau đớn, cũng bị cám dỗ và cũng chết như chúng ta.

Trừ một điều là Ngài hoàn toàn vô tội, Chúa Cứu Thế Giê-xu thật sự là một người giống bạn và tôi. Và điều huyền bí nằm ở đó: làm sao một Ðấng có thể vừa là Thượng Ðế vừa là người? Câu trả lời thỏa đáng nhất không gì khác hơn là: “Không ai biết được.” Thái độ chín chắn nhất là thái độ khiêm nhường, cúi đầu chấp nhận.

Chỉ khi nào chúng ta chấp nhận rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu vừa là Thượng Ðế vừa là người thì chúng ta mới có thể thấy được sự mầu nhiệm của dòng máu của Ngài trên thập tự giá.

Con người phạm tội, và do đó phải chết. Nếu Thượng Ðế muốn chết thế cho con người, Ngài phải thành người. Nếu không, con người vẫn phải chết vì tội lỗi của chính mình.

Nhưng để chết thế cho người khác, người thế chỗ phải hoàn toàn vô tội. Nếu không, người đó chỉ có thể đền tội cho chính mình. Ðiều nầy đòi hỏi rằng Giê-xu phải là Thượng Ðế.

Nói một cách khác, Thượng Ðế đã phải cắt đứt mối thông công với con người vì con người phạm tội. Con người vì thế cần một “liên lạc viên,” hay một “Ðấng Trung Bảo,” để giải hòa hai bên. Ðấng này phải là Thượng Ðế để có thể bày tỏ cho con người biết rằng Ngài yêu thương họ, muốn lôi kéo họ về với Ngài, mặc dầu họ phạm tội và phải chịu chết. Ðấng nầy cũng phải là con người để có thể đại diện con người trước mặt Thượng Ðế, dâng lên Ngài của lễ chuộc tội. Mặc dầu của lễ nầy đến từ con người, nhưng lại hoàn hảo vì đó chính là dòng máu cứu rỗi của Thượng Ðế.

Theo cái nhìn của Thượng Ðế, Chúa Cứu Thế Giê-xu là con người. Theo cái nhìn của con người, Ngài là Thượng Ðế. Chỉ nhờ vậy, Tin Lành Cứu Rỗi mới có ý nghĩa và chúng ta mới được cứu.

Thiết tưởng tôi cần phải nói rõ hơn rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu là Thượng Ðế trước, rồi thành người sau, chứ không phải là một người được “giác ngộ” thành Thượng Ðế. Con người chúng ta không ai có thể thành Thượng Ðế. Những mong ước viển vông như vậy chỉ có thể làm giảm bớt hình ảnh vinh quang của Thượng Ðế và làm con người thêm kiêu hãnh.

Là Thượng Ðế trước, Chúa Cứu Thế Giê-xu có thể vừa là người và vừa là Thượng Ðế một cách rất dễ dàng. Xin bạn tưởng tượng chúng ta đang sống trong một không gian hai chiều và mỗi người chúng ta là một vòng tròn trên một mặt phẳng. Giả thử rằng Chúa Cứu Thế Giê-xu sống trong không gian ba chiều và có hình dạng như một trái banh. Nếu “trái banh Giê-xu” đến với “mặt phẳng thế gian,” trái banh sẽ cắt mặt phẳng theo hình một vòng tròn giống như chúng ta. Nhưng trái banh vẫn là trái banh. Trên thực tế, trong lúc chúng ta sống trong không gian ba chiều, không gian của Thượng Ðế là không gian vô số chiều. Ngài có thể trở thành con người, mà vẫn là Thượng Ðế.

Kinh Thánh viết, “Chúa Cứu Thế Giê-xu là hiện thân của tất cả bản chất thần linh của Thượng Ðế.”[xiv]

“Chúa vốn có bản thể của Thượng Ðế, nhưng không cố vị tham quyền, là quyền bình đẳng với Thượng Ðế. Chúa tình nguyện từ bỏ tất cả, mang thân thể con người, cam chịu thân phận người nô lệ. Chúa đã xuất hiện như một người khiêm tốn, đi con đường vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.”[xv]

Người tin Chúa hết lòng chấp nhận sự khải thị này. Họ nhớ lời Kinh Thánh, “Ðối với người vô tín, đạo thập tự giá chỉ là khờ dại, nhưng đối với chúng ta là người được cứu rỗi, đó là quyền năng của Thượng Ðế.… Những điều có vẻ khờ dại của Chúa còn khôn ngoan hơn loài người và những điều có vẻ yếu đuối của Chúa còn mạnh mẽ hơn loài người.”[xvi]

Chúng ta tìm gì? Sự khôn ngoan của đời, hay một Thượng Ðế đã thành người để cứu bạn và tôi?

(Còn tiếp)
Đỗ Lê Minh


Chú Thích:

[i] Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4
[ii]
Giăng 10:30
[iii]
Ê-phê-sô 4:5-6
[iv]
Ê-sai 45:5
[v]
Xuất Ê-díp-tô-ký 20:2-3
[vi]
I Cô-rinh-tô 13:12
[vii]
Ma-thi-ơ 4:2
[viii]
Giăng 4:6
[ix]
Mác 4:38
[x]
Lu-ca 5:30
[xi]
Ma-thi-ơ 23:13-36
[xii]
Giăng 11:33-36
[xiii]
Lu-ca 10:21
[xiv]
Cô-lô-se 2:9
[xv]
Phi-líp 2:6-8
[xvi]
I Cô-rinh-tô 1:18, 25

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top