Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Các Mục Sư Tại Hà Nội và Những Nhà Cách Mạng

Các Mục Sư Tại Hà Nội và Những Nhà Cách Mạng

HTTL_Hanoi_1934
Hội Thánh Tin Lành Hà Nội (1934)

Các Mục Sư  Tại Hà Nội và Những Nhà Cách Mạng

Theo tin từ Việt Nam, tướng Võ Nguyên Giáp đã qua đời vào ngày 4/10/2013 tại Hà Nội.  Tướng Võ Nguyên Giáp là người cuối cùng trong thế hệ những nhà lãnh đạo Việt Minh tham gia giành độc lập vào năm 1945 tạ thế. Tướng Võ Nguyên Giáp nổi tiếng với trận thắng Điện Biên Phủ chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam (1954).

Trước khi tham gia Việt Minh, vào thập niên 1930 sinh viên Võ Nguyên Giáp đã sống một thời gian tại Hà Nội.  Ông theo học tại trường Albert Sarraut, tham gia làm báo, và dạy học tại Tư Thục Thăng Long. Trường Tư Thục Thăng Long rất gần nhà thờ Tin Lành Hà Nội;  do đó, thầy giáo Hoàng Minh Giám và Võ Nguyên Giáp thỉnh thoảng đến thăm phòng đọc sách Tin Lành, và có dịp tiếp xúc với các Mục sư Lê Văn Thái và  William C. Cadman.

Nhà in Tin Lành Hà Nội lúc đó in rất nhiều sách, trung bình khoảng 5 triệu trang mỗi năm. Trong khi các mục sư Tin Lành tận dụng chữ Quốc Ngữ để phát triển công việc truyền giáo, một số giáo sư trường Thăng Long muốn dùng chữ Quốc Ngữ cho mục tiêu cách mạng.  Mặc dầu mục đích không giống nhau, nhưng hai bên đều cổ võ cho việc dùng chữ Quốc Ngữ và do đó đã có cơ hội quen biết nhau.  Những năm sau đó, các mục sư vẫn chú tâm vào công việc truyền giáo, còn các thầy giáo thì quyết tâm theo con đường cách mạng.

Năm 1942, tại Hội Đồng Đà Nẵng, Mục sư Lê Văn Thái được tín nhiệm trở thành Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Khi Đệ Nhị Thế Chiến diễn ra, Mục sư William C. Cadman, cùng tất cả các giáo sĩ Tin Lành, bị người Nhật bắt giam gần hai năm tại Mỹ Tho.  Cách Mạng Tháng Tám năm 1945 kết thúc, thầy giáo Võ Nguyên Giáp trở thành Bộ Trưởng Nội Vụ và Hiệu trưởng Hoàng Minh Giám trở thành Đổng Lý Văn Phòng Bộ Nội Vụ của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, ngày 8/9/1945 Mục sư Lê Văn Thái, Mục sư Trần Văn Đê và ông Bùi Hoành Thử, đại diện Hội Thánh Tin Lành Việt Nam đến chào mừng chính phủ của quốc gia Việt Nam tự do.  Đến lúc đó các mục sư mới biết những người quen cũ bây giờ là lãnh đạo mới của nước Việt Nam.  Trong lần gặp gỡ này, Mục sư Lê Văn Thái trình bày lý do tại sao Hội Thánh Tin Lành Việt  Nam không thể thành lập Tin Lành Cứu Quốc.  Yêu cầu đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận.

Cũng vào dịp đó, Mục sư Lê Văn Thái cho biết trong cương vị là Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, Mục sư cần phải đi nhiều nơi để điều hành công việc Hội Thánh; Mục sư đã yêu cầu cấp một giấy thông hành để đi từ bắc vào nam.  Bộ Trưởng Nội Vụ Võ Nguyên Giáp đã cấp cho Mục sư Lê Văn Thái một thông hành với những dòng chữ sau: “Mục sư Lê Văn Thái, Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Việt Nam được phép đi từ bắc vào nam lo công việc của Đạo Tin Lành.”

Theo hồi ký của Mục sư Lê Văn Thái, xuất bản vào năm 1970 tại Sài Gòn, nhờ giấy thông hành đặc biệt đó, và bởi ơn Chúa, cụ đã vượt qua rất nhiều nguy hiểm để giải quyết công việc Hội Thánh giữa hoàn cảnh khó khăn.  Trong chuyến đi đó,  Mục sư Lê Văn Thái đã đến thăm Mục sư William C. Cadman đang bị người Nhật giam tại Mỹ Tho. Mục sư Lê Văn Thái đã bị hiến binh Nhật bắt khi trao quà giúp các giáo sĩ, vì bị tình nghi là gián điệp; tuy nhiên viên sĩ quan Nhật sau khi điều tra biết rõ Mục sư Thái là ai nên đã trả tự do.  Mục sư Lê Văn Thái cũng cho biết trong chuyến đi đó, Mục sư đã có dịp gặp các nhà lãnh đạo cách mạng tại miền Nam là Phạm Văn Bạch, Dương Bạch Mai, Tôn Đức Thắng; Mục sư đã giới thiệu Chúa và cầu nguyện cho họ.

Việc quen biết với các lãnh đạo Việt Minh khiến Mục sư Lê Văn Thái gặp khó khăn. Năm 1955 tại Hội Đồng Tổng Liên Hội tại Gia Định, một số người muốn phá rối công việc Chúa đã vu khống Mục sư Lê Văn Thái là cộng sản.  Trưởng ty Công an Gia Định theo lời tố cáo đó đã đã cử hai công an đến bắt Mục sư Lê Văn Thái giữa hội đồng; tuy nhiên việc bắt giữ đã không xảy ra.  Sau buổi nhóm, Mục sư Lê Văn Thái đến ty công an giải thích sự thật và trở về tự do.

Về phần Mục sư William C. Cadman, sau khi người Nhật thất trận, ông ra khỏi tù. Năm 1946, Mục sư William C. Cadman quay lại tiếp tục hầu việc Chúa tại Hà Nội. Lúc Chiến tranh Việt Pháp (1946-1954) diễn ra,  nhiều lần Mục sư William C. Cadman đã đứng giữa họng súng của lính Pháp ngăn không cho họ bắn người Việt. Nhiều lần khác, ông bị Việt Minh bắt nhưng khi ông được dẫn đến cấp trên thì Mục sư được trả tự do. Mục sư William C. Cadman đã hầu việc Chúa tại Hà Nội từ năm 1916. Dân chúng và những người lãnh đạo Việt Minh tại Hà Nội biết rõ ông chỉ là một nhà truyền giáo Tin Lành thuần túy.  Do tình trạng chiến tranh tại Hà Nội kéo dài, Mục sư William C. Cadman quyết định chuyển nhà in Tin Lành vào Đà Lạt.  Mục sư về với Chúa vào ngày 7/12/1948 trong khi lo tân trang cho nhà in Tin Lành Đà Lạt.

Về phần Hoàng Minh Giám, trong những năm về sau  ông được cử làm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao (1947-1954) và Bộ Trưởng Văn Hóa (1954-1976) của chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Bộ trưởng Hoàng Minh Giám biết về Tin Lành khá sớm. Lúc còn sinh viên, ông đã sinh hoạt tại Trung Tâm Thanh Niên Sinh Viên tại số 5 đường Vọng Đức, Hà Nội; và được các nhà truyền giáo Tin Lành Pháp là Paul Monet và Samuel Vũ Tam Thất giúp đỡ.  Qua mối quan hệ với các nhà truyền giáo Tin Lành, Hoàng Minh Giám biết có những người Pháp không phải là thực dân, nhưng là bạn của người Việt.  Về sau, ông đã ghi lại những cảm nhận đó và nói rằng ông và một số bạn cùng thế hệ ghét Tây thực dân nhưng không ghét những người Pháp là bạn của người Việt. Mối giao tiếp với các mục sư Anh, Pháp, Mỹ tại Hà Nội giúp Hoàng Minh Giám thu thập những kiến thức đã giúp cho ông trong công tác ngoại giao và văn hóa trong những năm về sau. Bên cạnh những chức vụ chính thức trong chính phủ, Hoàng Minh Giám còn giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban Đoàn Kết Việt Nam Hoa Kỳ.

Thư Viện Tin Lành
www.thuvientinlanh.org
(7/10/2013)

  

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top