Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Vài Hoạt Động Của Thánh Kinh Hội Tại Việt Nam Từ Cuối Thế Kỷ 19 Đến Đầu Thế Kỷ 20

Vài Hoạt Động Của Thánh Kinh Hội Tại Việt Nam Từ Cuối Thế Kỷ 19 Đến Đầu Thế Kỷ 20

BibleStudy_03
III. Tại Miền Bắc – Tonkin (1904 – 1911)

Như đã nói ở trên, Hà Nội là nhượng địa nên cũng do người Pháp cai trị.  Trong thời gian hoạt động tại Việt Nam, Charles Bonnet thường ra miền Bắc để giới thiệu Chúa cho đồng bào tại đó.  Năm 1904, Bonnet kể lại công việc truyền giáo tại Hà Nội như sau:

“Tôi đến miền Bắc vào một mùa mưa tầm tả.  Cả xứ ngập dưới màn nước, làng mạc như là những hòn đảo lờ mờ trên mặt nước.  Vì không thể làm gì hơn nên tôi đành bán sách tại Hà Nội.  Tôi đến chợ trước chín giờ sáng. Bạn hãy tưởng tượng như là bạn đang ở trong những ngôi chợ tại Paris, nhưng có một điều khác biệt là trước mặt bạn ba bốn ngàn người An-nam thì bạn có thể hiểu chợ Hà Nội như thế nào.  Hơi lo một chút, tôi sắp xếp kệ sách.  Vừa khi dựng xong, tôi phải có hàng chục cánh tay mới có thể vừa nhận tiền vừa giao sách.  Người ta chen lấn nhau để mua sách.  Ai cũng muốn được phục vụ trước.  Có lúc tôi phải nhờ một viên cảnh sát địa phương giữ trật tự và ngăn chặn bạo động.  Chừng 15 phút sau, một người Âu Châu chịu trách nhiệm tại ngôi chợ báo cho tôi biết tôi đang gây trở ngại giao thông, và những cửa hàng khác không buôn bán gì được.  Tôi không biết làm gì hơn, nhưng tôi nói với ông, tôi không còn gì nhiều để bán nữa, và tôi sẽ dọn đi ngay lập tức.  Đến 11 giờ sáng, tôi đã bán tất cả sách mà tôi có:  1.000 Phúc Âm, 200 sách Sáng Thế Ký và 60 Kinh Thánh Tân Ước.” [1]

Năm 1907, Charles Bonnet thuật lại câu chuyện đã xảy ra cho ông và các cộng sự viên người Việt tại chợ Hà Nội như sau:

“Chúng tôi đến chợ trước tám giờ sáng, chọn một chỗ thích hợp, đối diện cửa chợ, đứng giữa hai phụ nữ bán cam và chuối.  Chẳng bao lâu sau, nhiều người Việt vây quanh chúng tôi, nhìn cách tò mò.   Cuối cùng, có một người bạo dạn mua một cuốn Phúc Âm, xem qua, rồi quay lại mua một cuốn nữa.   Một người khác mua một cuốn Tân Ước.  Và sau đó, như cừu theo bầy, họ chen lấn nhau mua sách, có người giành như cướp giật.  Thật khó để giữ cho khỏi bị mất sách, chúng tôi bỏ sách trở lại trong thùng, tìm một chỗ khác, nơi có một cảnh sát viên, được cử đến để giúp chúng tôi.  Viên cảnh sát này la hét, quơ gậy hết bên này đến bên kia nhưng vẫn khó lòng đẩy lui đám đông và giữ trật tự.  Chúng tôi không cần phải nói dài dòng để bán sách.  Chúng tôi chỉ có thời giờ đưa sách lấy tiền, những bàn tay chen chúc từ mọi hướng.  Chỉ trong một ngày chúng tôi bán 645 cuốn sách.  Chiều hôm đó, chúng tôi đón tàu lửa về Hải Phòng, chúng tôi thấy người kiểm soát vé có một cuốn Tân Ước và một sách Sáng Thế Ký.  Những người vận chuyển hành lý cũng có những sách Phúc Âm.  Viên trưởng ga tay cầm một cuốn Phúc Âm, tay kia mang lồng đèn đi lại trên sân ga.  Một chỗ khác, một nhân viên hỏa xa khác ngồi trên một chiếc thùng đọc Kinh Thánh dưới ánh đèn.” [2]

Năm 1908, Bonnet cùng hai nhân viên phân phối Kinh Thánh người Việt đến một làng nhỏ ven sông. Một thiếu niên đánh cồng nhóm những người trong làng lại. Một người khác chạy báo tin cho những người quyền quý trong làng. Sau buổi họp, hơn 100 cuốn sách về Lời Chúa đã được bán ra.  Trời đã tối, những nhà truyền giáo cần thuyền để đi Ngô Sở.  Dân làng kiếm được một chiếc ghe.  Họ đốt đuốc đưa ba nhà truyền giáo ra bờ sông.  Qua ánh đuốc lấp lánh trên mặt nước, viên trưởng làng nói với các nhà truyền giáo: “Lần này chúng tôi tiếp quý vị trong tệ xá.  Hãy trở lại và ở với chúng tôi vài ngày.  Chúng tôi sẽ tiếp quý vị tốt hơn.”[3]

Hằng năm tại miền Bắc, hàng chục ngàn người Việt rủ nhau về hành hương tại đền Kiếp Bạc.  Lễ kéo dài khoảng mười ngày để tri ân Lê Lợi, vị anh hùng đã giành độc lập cho Việt Nam khỏi ách thống trị của Trung Hoa. Nhân dịp này, vào năm 1912, Charles Bonnet cùng Giáo sĩ Frank Soderberg (CMA) đã đến đền Kiếp Bạc để truyền đạo.  Mùa lễ năm ấy có khoảng 15.000 đến 20.000 người đến dự.  Hai nhà truyền giáo đã bán hơn 2.000 sách Phúc Âm cho những người đi hành hương.

Vì quá đông người đến dự lễ, nên hai nhà truyền giáo không tìm được chỗ trú.  Không biết làm sao, Bonnet đã đến xin quan địa phương cho hai người được nghỉ tạm tại một phòng bên cạnh chùa.  Vị quan chấp thuận với một lời cảnh cáo:  “Tôi báo cho ông biết là ông sẽ không ngủ được đâu!”  Lời cảnh cáo rất đúng, tiếng cồng đánh suốt từ hoàng hôn đến bình minh khiến hai người không sao ngủ được.  Bonnet ghi lại: “Tiếng ồn đó vẫn làm tôi ớn lạnh cho tới bây giờ.”[4]

Tại Hà Nội, Charles Bonnet thường bán sách tại chợ.  Một ngày nọ ông cùng một người bán sách đến Hàng Đường.  Căn nhà đầu tiên họ vào là một quán trọ.  Tại đây có khoảng 30 người từ nhiều nơi đến tạm trú.  Bonnet đến trong lúc những người này đang ăn trưa.  Dầu vậy, khi nghe những nhà truyền giáo giới thiệu Kinh Thánh, những khách trọ tại đây đã mua hơn 30 cuốn.  Cầm sách Phúc Âm, một người đã phát biểu:  “Mấy người tin Chúa này là ai? Vì sao họ dịch mấy sách này và in trong mọi thứ tiếng?  Thật sự có người ở bên Âu Châu quan tâm đến người An Nam mình sao?  Tôi thật không thể nào tin nổi!”[5]

Vào lúc đó, có một vị quan Việt Nam hỏi một người phân phối Kinh Thánh rằng:  “Tại sao các ông bán sách Cơ Đốc giáo cho những người không phải là Cơ Đốc nhân?”   Nhân viên phân phối Kinh Thánh trả lời rằng: “Thuốc men hữu ích cho những người cần nó.”  Sau khi nghe câu trả lời, vị quan đã mua một cuốn sách.  Vị quan này là một người chân thật.  Ông nhìn nhận mình là một người có bệnh cần đến thuốc, là Lời của Đức Chúa Trời.[6]

IV. Sau Năm 1911

Từ năm 1911 đến năm 1914, Charles Bonnet tiếp tục làm đại diện Thánh Kinh Hội tại Đông Dương. Năm 1914, Charles Bonnet, đại diện của Thánh Kinh Hội tại Việt Nam về Pháp nghỉ phép.  Lúc đó Đệ Nhất Thế Chiến đang diễn ra.  Charles Bonnet bị động viên và không thể trở lại tiếp tục công việc truyền giáo tại Việt Nam trong thời gian đó nữa.[7]

Sau khi Charles Bonnet không thể trở lại Việt Nam, Thánh Kinh Hội đã cử Mục sư Henry E. Anderson, thuộc Hội Truyền Giáo Giám Lý Anh Quốc (English Wesleyan Mission), điều hành công việc của Thánh Kinh Hội tại Đông Dương.  Vợ Mục sư Henry E. Anderson là người đã dạy tiếng Pháp cho các giáo sĩ Griffiths Hughes, Paul Hosler và William Cadman tại Trung Hoa để chuẩn bị cho các giáo sĩ này thi hành chức vụ tại Việt Nam.

Trong những năm sau đó,   Mục sư Henry E. Anderson đã cố vấn cho các giáo sĩ Phúc Âm Liên Hiệp trong việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Việt.  Mục sư Henry E. Anderson là người đại diện Thánh Kinh Hội đã hổ trợ mạnh mẽ cho việc phiên dịch, in và phát hành Kinh Thánh trong thời gian đầu khi các giáo sĩ Phúc Âm Liên Hiệp hoạt động tại Việt Nam.

Trong thời gian Mục sư Henry E. Anderson làm đại diện cho Thánh Kinh Hội tại Đông Dương, ông đã vận động Thánh Kinh Hội gia tăng ngân sách để in Kinh Thánh, sách chứng đạo cho Việt Nam.  Ông đã cố vấn cho Mục sư William Cadman thành lập nhà in Tin Lành tại Hà Nội và thuyết phục Thánh Kinh Hội chấp thuận cho in Kinh Thánh tại Việt Nam thay vì phải in tại Hong Kong, Trung Hoa hay Singapore. Nhờ những hợp đồng in Kinh Thánh và sách cho Thánh Kinh Hội, nhà in Tin Lành Hà Nội có ngân sách để hoạt động.

Thêm vào đó, Mục sư Henry E. Anderson cũng đã vận động gia tăng số nhân viên phân phối Kinh Thánh và phát sách chứng đạo tại Việt Nam.  Những nhân viên này do Thánh Kinh Hội trả lương nhưng được đặt dưới quyền điều hành của các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp.

Sang thập niên 1920-1930, các mục sư Pháp tại Hà Nội và Hải Phòng giữ vai trò đại diện của Thánh Kinh Hội tại Việt Nam.  Những nhân viên phân phối Kinh Thánh và phát sách chứng đạo tại Việt Nam tiếp tục được đặt dưới quyền điều hành của các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp và của các mục sư Việt Nam. Thánh Kinh Hội đã phối trí hợp tác với Hội Thánh địa phương như vậy nhằm tạo thuận lợi cho việc truyền giáo, thuận tiện cho việc giao tiếp với chính quyền địa phương, đồng thời mang lại hiệu quả cho công việc Chúa chung.  Chi tiết về sự cộng tác giữa Thánh Kinh Hội và các giáo sĩ thuộc Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp và Hội Thánh Việt Nam sẽ được trình bày trong những tập sách sau.

(Phần 1) (Phần 2)

Lược trích từ sách Những Người Tin Lành Tại Việt Nam – Trước Năm 1911, San Diego, California – 2011.

Chú Thích:
[1] B.F.B.S., Seed Corn for the World. London: Bible House, (1905), 34.

[2] B.F.B.S., Highway in the Wilderness. London: Bible House (1908), 65.

[3] B.F.B.S., The Word Among Nations. London: Bible House (1909), 82.

[4] B.F.B.S., Have Ye Never Read. London: Bible House (1913), 71.

[5] B.F.B.S., Have Ye Never Read. London: Bible House (1913), 79-80.

[6] B.F.B.S., The Book And The Sword. London: Bible House, (1915), 63.

[7] B.F.B.S., Conquest of The Bible. London: Bible House (1916), 39.

Comments (1)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top