Vài Hoạt Động Của Thánh Kinh Hội Tại Việt Nam Từ Cuối Thế Kỷ 19 Đến Đầu Thế Kỷ 20
II. Tại Miền Trung – Annam (1902 – 1911)
Do tình hình chính trị phức tạp tại Việt Nam, kể từ năm 1900, công việc phân phối Kinh Thánh tại Đông Dương đã được chuyển sang chi nhánh của Thánh Kinh Hội tại Paris đặc trách. Năm 1900, 10.000 sách Công Vụ do Walter James dịch được in tại Paris.[1]
Sau nhiều lần Thánh Kinh Hội vận động với chính phủ Pháp không thành công, Đức Chúa Trời lại mở đường một cách kỳ diệu. Năm 1902, tân Toàn quyền của Pháp tại Đông Dương là Jean Baptiste Paul Beau đã cho phép Thánh Kinh Hội hoạt động trở lại. Để tránh hiểu lầm, lần này Thánh Kinh Hội cử một người Pháp là Charles Bonnet làm đại diện tại Việt Nam. Trong giai đoạn mới, thay vì đến Sài Gòn, tháng 11 năm 1902 Charles Bonnet đến miền Trung hoạt động tại Đà Nẵng.[2]
Theo Hòa Ước Giáp Thân (1884) miền Trung và miền Bắc lúc đó là xứ bảo hộ, vẫn thuộc về Việt Nam. Tuy nhiên, các thành phố Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Phòng là nhượng địa của Pháp, thuộc quyền người Pháp cai trị; do đó, các nhà truyền giáo của Thánh Kinh Hội khi đến Đà Nẵng vẫn bị kiểm soát bởi người Pháp.
Về một phương diện, việc sử dụng một người Pháp làm đại diện Thánh Kinh Hội tại Việt Nam có thuận lợi trong việc đối thoại với chính quyền Pháp tại Đà Nẵng; tuy nhiên là người Pháp, Charles Bonnet lại gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với người Việt vào lúc đó.
Sau khi người Pháp chiếm Hà Nội vào năm 1873, phong trào Văn Thân chống Pháp lên cao. Người Việt tại vùng quê vào lúc đó, một phần vì căm thù, phần khác vì sợ hãi, không muốn tiếp xúc với người Pháp. Có lần Bonnet đến một làng tại Quảng Nam, ông thấy chỉ có một mình ông đứng trơ trọi giữa chợ. Dân làng đều chạy trốn. Charles Bonnet đứng giữa chợ đọc Phúc Âm Lu-ca chương thứ 12. Chẳng bao lâu sau, dân làng từ từ rời khỏi chỗ trốn và đứng chung quanh ông để nghe ông đọc Kinh Thánh. Rút kinh nghiệm lần đó, về sau, Bonnet thường nhờ một bô lão trong làng nhóm họp dân làng trở lại trước khi ông bắt đầu đọc Kinh Thánh.
Một trong những người đã mua Kinh Thánh của Charles Bonnet trong giai đoạn này là bà Phạm Thị Trạch, thân mẫu của Mục sư Phan Đình Liệu. Mục sư Phan Đình Liệu kể rằng vào năm 1902 thân mẫu của mục sư đã mua bốn sách Phúc Âm, sách Công Vụ, Sáng Thế Ký và toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước Hán Văn mang về nhà.[3] Lúc đó Mục sư Phan Đình Liệu chỉ là một thiếu niên 14 tuổi đã có dịp đọc Kinh Thánh. Điều này xảy ra 18 năm trước khi Giáo sĩ I. R. Stebbins làm chứng cho cụ tin Chúa vào năm 1920.
Mục sư Hoàng Trọng Thừa cũng kể lại rằng có một tín hữu người Trung Hoa đã mua một cuốn Kinh Thánh Hán Văn tặng cho cụ. Cụ đã đọc Kinh Thánh bằng chữ Hán hơn 10 năm trước khi cụ tin nhận Chúa. Khi Giáo sĩ I. R. Stebbins giới thiệu Đức Chúa Jesus cho cụ, cụ Hoàng Trọng Thừa hiểu về Đức Chúa Jesus nhiều hơn những điều mà Giáo sĩ I. R. Stebbins cố gắng trình bày trong số vốn tiếng Việt ít ỏi của mình; và do đó về sau cụ Hoàng Trọng Thừa có thể dịch bài giảng cho Giáo sĩ I. R. Stebbins một cách thông thạo.
Năm 1903, học kinh nghiệm của Walter James trong miền Nam, Charles Bonnet cũng dùng thuyền chở sách từ Đà Nẵng đến Hội An để bán. Có lần chỉ trong một phiên chợ tại Hội An ông bán được 1.200 cuốn sách trong đó có 600 Phúc Âm, 300 sách Công Vụ, 150 cuốn Sáng Thế Ký và 150 Tân Ước chữ Hán. Khi đến làng Hòa Quế, vị hương cả trong làng dắt Bonnet tới đình làng để ông đọc Kinh Thánh cho dân làng tại đó.[4] Chỉ trong năm 1903, hơn 7.000 Kinh Thánh được phân phối tại Việt Nam.[5]
Năm 1907, Bonnet cho biết ông đã đến Quy Nhơn để phổ biến Lời Chúa như sau:
“Từ Đà Nẵng, chúng tôi đón tàu hơi nước vào Quy Nhơn. Cách bờ hai dặm, chúng tôi chuyển sang thuyền nhỏ của người địa phương. Mất gần hai giờ dập dồi trên sóng, chúng tôi mới vào bờ. Quan Tri phủ địa phương đón tôi tại căn nhà lớn của ông tại giữa thị trấn. Ông thật thân thiện, dành cho tôi căn phòng tốt nhất trong căn nhà của ông và mời tôi dùng bữa. Thực đơn thật sang trọng: cá năm món, nhưng việc dùng đũa làm tôi gặp khó khăn.
Viên quan này hỏi tôi một số câu hỏi về Cơ Đốc giáo và Kinh Thánh. Ông chưa bao giờ đọc Kinh Thánh nên tôi đọc cho ông Rô-ma chương 13, viết về thẩm quyền của những người cai trị, và khi ông bắt đầu đọc, không ngẩng đầu lên ông nói: ‘Sách này rất hay!’ Khi đọc tới câu 5: ‘Các ngươi cần vâng phục, không phải chỉ vì sợ hình phạt, nhưng vì tấm lòng,’ ông cúi đầu đọc chăm chú hơn. ‘Tôi sẽ giữ cuốn sách này, vì sách rất hay. Tôi sẽ cho dân chúng biết ai muốn mua thì đến đây mua.’
Và ông đã làm điều đó. Chính tại nhà quan Tri phủ Quy Nhơn, chúng tôi bán 400 cuốn sách, và sự thành công của chuyến đi này phải ghi nhận công lao của ông. Khắp mọi nơi, dân chúng nói: ‘Quan Tri phủ đã mua sách từ những người này.’ Chỉ trong vòng bốn ngày, ba ngàn cuốn sách chở từ Đà Nẵng vào, chúng tôi chỉ còn lại ba cuốn.
Tại một thị trấn khác, chúng tôi gặp một Tri phủ khác. Ông tiếp đãi chúng tôi rất tử tế, thết trà bánh. Khách đến thăm có hai người Việt quyền quý. Quan Tri phủ mua một cuốn Kinh Thánh và một cuốn Sáng Thế Ký. Ông quay lại những người khách hỏi: ‘Các ông không mua gì sao?’ Một người trả lời rằng: ‘Thưa quan, tôi không có mắt kiếng.’ Người kia nói: ‘Tôi không mang tiền theo.’ Không nói một lời, quan Tri phủ rút kiếng đeo mắt đưa cho người thứ nhất và lấy tiền đưa cho người thứ hai; và hai vị này đã mua vài cuốn sách.”[6]
Năm 1911, ông Hy, một nhân viên phân phối Kinh Thánh người Việt, khi đi làm chứng về Chúa đã gặp một người chống đối. Người này nói với ông Hy rằng: “Ông nói chỉ có một Đức Chúa Trời, như vậy là ông nói sai rồi. Người Annam mình thờ phượng một ông trời; người Trung Hoa, người Nhật, người Pháp thờ những ông trời khác. Có những ông trời khác nhau nhiều như số các quốc gia khác nhau vậy.” Ông Hy nhân viên phân phối Kinh Thánh đã trả lời rằng:
“Hãy nhìn lên trời! Cùng một bầu trời cho nước Việt, nước Trung Hoa, nước Nhật và nước Pháp. Hãy nhìn vào cuốn sách này. Đây là lời của Đức Chúa Trời. Dầu ở bên Trung Hoa, bên Nhật, bên Pháp hay tại Việt Nam, Lời của Chúa cũng giống như nhau. Đức Chúa Trời yêu thương mọi người. Ngài ban sách của Ngài cho mọi dân tộc. Cũng vậy, Ngài ban Con của Ngài cho tất cả mọi người. Ai tin Ngài thì sẽ nhận được sự sống đời đời.”
Sau khi nghe lời giải thích, người đó mua một sách Phúc Âm và khuyên những người đứng bên cạnh mua nữa.[7]
Vào năm 1911, Thánh Kinh Hội nhượng cơ sở truyền giáo tại miền Trung lại cho Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (CMA). Thánh Kinh Hội tiếp tục trả lương cho các nhân viên phân phối Kinh Thánh và giao họ cho các giáo sĩ Phúc Âm Liên Hiệp (CMA) điều hành.
Sau đó, Charles Bonnet dọn ra Hải Phòng và dành trọn thời gian hoạt động tại miền Bắc.
Lược trích từ sách Những Người Tin Lành Tại Việt Nam – Trước Năm 1911, San Diego, California – 2011.
Chú Thích:
[1] Canton, W., History of the British & Foreign Bible Society – Volume V, 159.
[2] B.F.B.S., Conquests of Bible. London: Bible House, (1903), 63.
[3] Phan Đình Liệu, Lịch Sử Tin Lành Truyền Đến Việt Nam (1966), 4.
[4] B.F.B.S., After a Hundred Years. London: Bible House, (1904), 65.
[5] Canton, W., History of the British & Foreign Bible Society – Volume V, 159.
[6] B.F.B.S., Highway In The Wilderness. London: Bible House, (1908), 65-66.
[7] B.F.B.S., More Golden Than Gold. London: Bible House (1912), 78.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (3)