Vài Hoạt Động Của Thánh Kinh Hội Tại Việt Nam Từ Cuối Thế Kỷ 19 Đến Đầu Thế Kỷ 20
Lời Ban Biên Tập:
Năm 2016 là dịp kỷ niệm 90 năm phát hành Kinh Thánh tiếng Việt (1926-2016). Bản dịch toàn bộ Kinh Thánh Việt Ngữ đầu tiên của Giáo Hội Tin Lành được in vào năm 1925, tuy nhiên đến năm 1926 mới chính thức phát hành. Bản dịch Kinh Thánh này do Thánh Kinh Hội tài trợ, được Mục sư và bà William Cadman, cùng một số mục sư và cộng tác viên người Việt, trong đó có nhà văn Phan Khôi, phiên dịch. Nhân dịp này, Thư Viện Tin Lành xin gởi đến bạn đọc bài viết tóm tắt những hoạt động của Thánh Kinh Hội Việt Nam từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Nội dung của bài viết này được lược trích từ sách Những Người Tin Lành Tại Việt Nam – Trước Năm 1911, xuất bản vào năm 2011 tại San Diego, California. Thư Viện Tin Lành trích đăng với sự cho phép của tác giả. Bài viết sẽ đăng làm ba kỳ. Mời bạn đọc cùng theo dõi. Ban Biên Tập.
Vài Hoạt Động Của Thánh Kinh Hội Tại Việt Nam
Từ Cuối Thế Kỷ 19 Đến Đầu Thế Kỷ 20
Theo những tài liệu lịch sử hiện có, Mục sư Charles Gutzlaff, một cộng tác viên của Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (British and Foreign Bible Society), đã đến phân phối Kinh Thánh tại Việt Nam từ thập niên 1830. Mục sư Charles Gutzlaff là người đã viết bài Geography of the Cochin-Chinese Empire (Địa Dư Của Vương Quốc Đại Nam) đăng trên Tạp Chí Địa Dư của Hội Hoàng Gia Anh tại London (The Journal of the Royal Geographical Society of London) vào năm 1849, trong đó có ghi lại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Sau khi, Mục sư Charles Gutzlaff về với Chúa vào năm 1851, hoạt động của Thánh Kinh Hội tại Việt Nam bị đình trệ. Đến năm 1891, Thánh Kinh Hội được chính quyền Đông Dương cho phép chính thức hoạt động tại Việt Nam. Dưới đây là vài nét tóm tắt hoạt động của Thánh Kinh Hội tại Việt Nam trong giai đoạn từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20.
I. Tại Miền Nam – Cochinchina (1891-1900)
Theo tài liệu của bộ Lịch Sử của Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại (History of British and Foreign Bible Society) xuất bản vào năm 1904 và 1910, Hocquard, một người Pháp, là nhân viên của Thánh Kinh Hội, đã đến Sài Gòn vào năm 1891.[1] Hocquard đã mang theo một số Kinh Thánh bằng tiếng Pháp và Hán Văn, cùng với Phúc Âm Lu-ca tiếng Việt đã được dịch sang chữ Quốc Ngữ, đến Sài Gòn. Bản dịch Quốc Ngữ của Phúc Âm Lu-ca do Jean Bonet, Giáo sư của trường Ngôn Ngữ Đông Phương tại Paris dịch, và đã được xuất bản tại Paris và London vào năm 1890.
Lúc đó, Giáo sĩ Hocquard e ngại có thể gặp sự chống đối từ Giáo hội Công giáo tại Đông Dương, cho nên trước khi đến Sài Gòn, ông đã liên lạc với lãnh sự quán của Pháp tại Singapore để chính thức xin phép được phân phối Kinh Thánh tại Đông Dương. Sau đó, Giáo sĩ Hocquard đến Sài Gòn. Ông đã được chính quyền địa phương tiếp đãi tử tế.
Đến năm 1892, Thánh Kinh Hội đã cử F. de P. Castello, một người Tin Lành gốc Tây Ban Nha, làm đại diện chính thức của Thánh Kinh Hội tại Sài Gòn. F. de P. Castello là một nhân viên của Thánh Kinh Hội đã có kinh nghiệm hoạt động nhiều năm tại Malaysia, và tại Philippines – một quốc gia có đông tín hữu Công giáo.
Hoạt động của Castello tại miền Nam – lúc đó được gọi là Cochinchina – đã mang lại những thành quả đáng khích lệ. Người Pháp hoan nghênh Castello khi ông dành thì giờ đến thăm các thương binh người Pháp và tặng Kinh Thánh cho họ. Tạp chí truyền giáo Chinese Recoder cho biết một người Việt sau khi đọc Kinh Thánh đã quyết định dẹp bỏ bàn thờ để thờ phượng Chúa. Một thầy giáo dạy chữ Nho quyết định bỏ giáo lý của Khổng Phu Tử và dùng Phúc Âm Lu-ca làm sách giáo khoa. Chỉ trong một thời gian ngắn, Castello đã bán hơn 3000 Kinh Thánh tiếng Việt, Pháp và Hán Văn. Điều đáng tiếc, sau đó do sức khỏe suy yếu cho nên Castello đã phải trở về Anh Quốc dưỡng bệnh. Một thời gian sau, Castello được bổ nhiệm vào chức vụ đặc trách Thánh Kinh Hội tại Trung Mỹ.[2]
Theo tờ Chinese Recorder, thầy giáo Lang, là người Tin Lành Việt Nam đầu tiên do Thánh Kinh Hội hướng dẫn tin nhận Chúa tại Sài Gòn. Thầy Lang về sau đã giúp Thánh Kinh Hội phiên dịch nhiều phần Kinh Thánh khác sang tiếng Việt.[3] Ông có lẽ là một trong những tín hữu Tin Lành đầu tiên tại Việt Nam.
Castello cũng chính là người đã gặp Mục sư David LeLacheur, là người đã được Mục sư Albert Simpson cử đến Sài Gòn vào năm 1892 để nghiên cứu việc khởi đầu công cuộc truyền giáo của Hội Phúc Âm Liên Hiệp (Christian and Missionary Alliance – CMA) tại Việt Nam. Castello đã cho Mục sư David LeLacheur biết cơ hội truyền Tin Lành cho Việt Nam đang thuận lợi, và ông đã khuyến khích Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp nên bắt lấy cơ hội này khởi đầu hoạt động tại Việt Nam. Đầu năm 1893, Mục sư David LeLacheur đã trình bày những nhận định này với Mục sư Albert Simpson. Mục sư David LeLacheur đề nghị nên gởi giáo sĩ CMA đến Sài Gòn và đặt trung tâm truyền giáo tại Singapore.
Lạc quan với triển vọng Chúa đã mở ra tại Việt Nam, Mục sư Albert Simpson hy vọng rằng chỉ trong một thời gian rất ngắn, việc truyền giáo cho Việt Nam sẽ được thực hiện.[4] Tuy nhiên, có lẽ do không tìm được các giáo sĩ nói tiếng Pháp cho nên việc truyền giáo của Hội Truyền Giáo CMA cho Việt Nam phải bị đình trệ thêm gần 20 năm nữa.
Năm 1894, Robert Watt đã đến thay cho Castello, mở đầu cho những hoạt động của các nhà truyền giáo Tin Lành người Anh tại Việt Nam.
Đến năm 1896, Walter James được cử làm đại diện của Thánh Kinh Hội tại Việt Nam. Trước đó, Walter James là nhân viên của Thánh Kinh Hội tại Malaysia. Walter James là một người có kinh nghiệm trong việc phổ biến Kinh Thánh, ông đã nhanh chóng mở rộng hoạt động của Thánh Kinh Hội từ miền Nam ra miền Bắc và sang cả Campuchia.
Tại miền Nam, Walter James không giới hạn hoạt động quanh vùng Sài Gòn, Chợ Lớn nhưng mở rộng xuống Mỹ Tho, Châu Đốc. Walter James đã đến thăm quốc vương Campuchia, tặng vua một bản Kinh Thánh bằng chữ Hán và thuyết phục được thông dịch viên của Quốc vương Campuchia là ông Vòng dịch Phúc Âm Lu-ca sang tiếng Campuchia.[5]
Một trong những ưu tư của Walter James là vùng đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều sông rạch. Đường bộ thời đó rất ít cho nên nhân viên Thánh Kinh Hội không thể đến các làng mạc để giới thiệu Lời Chúa cho người Việt. Biết được nhu cầu đó, một phụ nữ người Anh là bà Warton tại Alstree đã tặng cho chi nhánh Thánh Kinh Hội tại Việt Nam một chiếc thuyền nhỏ. Nhờ chiếc thuyền đó, hoạt động của Thánh Kinh Hội được mở rộng nhanh chóng.
Trước khi Walter James đến Việt Nam, vào năm 1895 chỉ có 6.990 Kinh Thánh và sách được bán ra, nhưng số lượng Kinh Thánh và sách phát hành vào năm 1898 là 30.650 và đến năm 1899, hơn 42.500 ấn bản Kinh Thánh và các sách Tin Lành đã bán khắp miền Nam. Tháng 7 năm 1899, Robert Warton đến Sài Gòn phụ giúp Walter James.
Việc phổ biến Kinh Thánh của những nhà truyền giáo Tin Lành phát triển quá nhanh khiến một số nhà lãnh đạo Công giáo lo ngại. Một số bài viết chống đối hoạt động truyền giáo của người Tin Lành được đăng trên báo chí tại Sài Gòn vào lúc đó.
Trước áp lực của Giáo hội Công giáo, tháng 1 năm 1900, chính quyền Pháp đã ra lệnh cấm hoạt động truyền giáo của Thánh Kinh Hội trên toàn cõi Đông Dương: cả vùng thuộc địa lẫn xứ bảo hộ. Lúc đó, tại miền Bắc có hai mục sư Tin Lành người Pháp; tuy nhiên vì họ ở quá xa nên không thể góp ý với Toàn quyền Đông Dương.[6]
Bên cạnh áp lực từ những nhà lãnh đạo Công giáo, chính quyền Pháp tại Đông Dương cũng có lý do riêng để nghi ngờ và ngăn cấm việc truyền giáo của các giáo sĩ người Anh. Năm 1897, người Anh kiểm soát phần lớn lãnh thổ của Miến Điện. Năm 1898, Hoa Kỳ chiếm Philipines từ Tây Ban Nha. Người Pháp lo ngại người Anh có thể chiếm Đông Dương từ Pháp như Hoa Kỳ đã chiếm Philippines từ Tây Ban Nha. Do đó, các nhân viên Phòng Nhì Pháp đã bận rộn theo dõi các giáo sĩ người Anh đang đi lại phân phối Kinh Thánh tại nhiều nơi trên lãnh thổ Đông Dương.
Khi biết được điều đó, để tránh bị hiểu lầm và bị khó khăn vì lý do chính trị, trong những năm về sau, Thánh Kinh Hội đã giao trách nhiệm phân phối Kinh Thánh tại Đông Dương cho chi nhánh của Thánh Kinh Hội tại Paris. Thánh Kinh Hội đã cử đại diện chính thức của Thánh Kinh Hội tại Việt Nam là các mục sư người Pháp; và sử dụng những nhân viên phân phối Kinh Thánh là người Pháp và người Việt.
Như đã nói ở trên, trong thời gian hoạt động ở Việt Nam, ngoài việc phân phối Kinh Thánh, Walter James cũng thực hiện việc phiên dịch Kinh Thánh. Ông đã hoàn tất việc dịch sách Công Vụ Các Sứ Đồ. Bản dịch mới của Phúc Âm Mác được in vào năm 1899 và Phúc Âm Giăng được in vào tháng 1 năm 1900 là do Walter James phiên dịch, với sự cộng tác của một số người Việt. Điều đáng tiếc, sau đó, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã cấm Walter James không được liên lạc giao tiếp với bất kỳ người Việt nào.[7]
Trong khoảng thời gian này (1899), Mục sư H. F. Miller là Giám Đốc của Thánh Kinh Hội tại khu vực Bắc Malaysia, bao gồm Đông Dương và Philippines. Khi biết được chính quyền Pháp cấm tất cả hoạt động của Thánh Kinh Hội tại Đông Dương, Mục sư H. F. Miller đã đến gặp Toàn quyền Đông Dương kiến nghị xin thay đổi quyết định đó. Tuy nhiên Toàn quyền Paul Doumer đã không thay đổi ý kiến. Vì thế, Mục sư H. F. Miller đành phải rút tất cả nhân viên Thánh Kinh Hội ra khỏi Đông Dương. Walter James được chuyển về Anh Quốc. A. Lawrence, F.G. Williams và G.C. Bartter được thuyên chuyển sang Philippines.[8]
Trong 6 năm hoạt động tại Việt Nam (1894-1900), các nhà truyền giáo Anh đã phân phối 126.400 Kinh Thánh và ấn phẩm trên toàn cõi Đông Dương. Lời Chúa được gieo ra không phải là vô ích. Vài thập niên sau, nhiều người tại miền Nam đã tiếp nhận Chúa. Một số đã nói với các mục sư và giáo sĩ CMA rằng: “Chúng tôi đã đọc sách của quý vị từ lâu. Tại sao bây giờ quý vị mới đến truyền giảng?”
Vào cuối thế kỷ 19, Giáo hội Công giáo, do những ngộ nhận, đã chống các hoạt động của Thánh Kinh Hội tại Sài Gòn. Điều đáng mừng là gần 100 năm sau, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã vượt qua những hiểu lầm và đã hợp tác với Thánh Kinh Hội trong việc dịch và phổ biến Kinh Thánh. Năm 1973, Thánh Kinh Hội đã huấn luyện cho các học giả Công giáo chung với các mục sư Tin Lành về những nguyên tắc dịch Kinh Thánh tại Đà Lạt.[9] Cuối thế kỷ 20, Thánh Kinh Hội đã giúp cho Giáo hội Công giáo Việt Nam in và phát hành vài trăm ngàn Kinh Thánh và Kinh Thánh Tân Ước tại cả hai miền Nam Bắc Việt Nam.
(Phần 2)
Lược trích từ sách Những Người Tin Lành Tại Việt Nam – Trước Năm 1911, San Diego, California – 2011.
Chú Thích:
[1] Canton, W., History of the British & Foreign Bible Society – Volume V, 152-153; Chinese Recoder, 11/1940, 708.
[2] Canton, W., History of the British & Foreign Bible Society – Volume V, 153.
[3] Chinese Recoder, 11/1940, 709.
[4] Christian Alliance, June 1893, 372; Annual Report, July 1893, 54.
[5] Canton, W., History of the British & Foreign Bible Society – Volume V, 153.
[6] Canton, W., History of the British & Foreign Bible Society – Volume V, 154.
[7] Canton, W., History of the British & Foreign Bible Society – Volume V, 154.
[8] Canton, W., History of the British & Foreign Bible Society – Volume V, 156.
[9] Phước Nguyên, Quá Trình Phiên Dịch Kinh Thánh Sang Tiếng Việt, San Diego: Nguyệt San Linh Lực, Ngày 1/6/1996, 25.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.
Comments (3)