Ba Ngôi Thiên Chúa: Chương 10a
Chương 10
SỰ TÁI LÂM VÀ NGỰ TRỊ CỦA CHÚA CỨU THẾ
(The Return and Reign of Christ)
Trong khi nhấn mạnh về sự chết hy sinh của Chúa Cứu Thế, nhiều người đã giảm bớt tầm quan trọng của việc Chúa tái lâm trong tương lai để ngự trị trên đất. Có người cho rằng Chúa sinh ra để làm vua dân Do Thái, nhưng đã bị dân Ngài khước từ, nên Hội Thánh đã thế chỗ cho họ. Người khác thì cho rằng vương quốc Ngài chính là Hội Thánh. Những quan điểm đó không đúng với lời dạy của Kinh Thánh. Chúa là Đấng Cứu Thế và cũng là Vua. Sau khi đã dâng Đại Tế Lễ Chuộc tội, vị Thượng Tế hiện nay đang ở thiên đàng. Chúng ta trông đợi Ngài trở lại như một vị Vua vào Vương Quốc của Ngài trong tương lai.
Phi-e-rơ cho chúng ta biết rằng các vị tiên tri Cựu Ước rất hoang mang, vì Đức Thánh Linh cho họ biết về “sự đau đớn của Đấng Christ và về sự vinh hiển sẽ theo sau” (I Phi 1:10-11). Họ không thể hiểu làm sao Đấng Mê-si-a lại có thể vừa là Sinh Tế vừa là Vua. Họ không thể tưởng tượng nổi sẽ có một khoảng thời gian dài xen vào từ lúc Chúa bị đóng đinh cho đến khi Ngài được tôn vương, lúc ấy Hội Thánh — một bí mật chưa hề tỏ ra cho các vị tiên tri — sẽ hành động để hoàn thành mục đích của mình. Mãi cho đến lúc Chúa hóa hình mới có tia sáng đầu tiên cho thắc mắc đó. Sau khi Chúa tiết lộ cho môn đệ biết Ngài sẽ chết, Ngài đã cho ba người được đặc ân hé thấy “sự vinh hiển theo sau”, trên đỉnh Núi Hóa Hình. Chúa cho biết quang cảnh đó là viễn tượng của Con Người đến trong nước mình.” (Ma-thi-ơ 16:28). Về sau Phi-e-rơ đã liên kết biến cố đó với “sự đến của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta” là biến cố còn ở trong tương lai (II Phi 1:16-18)
SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA
(The Return of Christ)
Chắc Chắn Chúa Sẽ Đến
(Ma-thi-ơ 24:29-30; Mác 14:62; Lu 17:24-25; 21:25-27; I Tê 4:13-18; Hê 9:28)
Không dưới ba trăm chỗ trong Tân Ước đảm bảo với chúng ta sự tái lâm của Chúa Cứu Thế. Ngòai việc chính Chúa nói rõ ràng, các tác giả Tân Ước đều có nói đến, còn sách Khải Huyền “vén màn” cho thấy vinh quang của Ngài. Các lời tiên tri cho biết chắc sẽ có cơn đại nạn và những biến cố khác xảy ra để dọn đường cho Chúa tái lâm, nhưng không cho biết đích xác Chúa sẽ đến ngày giờ nào. Chữ “thức canh” thường được dùng trong Tân Uớc dạy cho chúng ta lúc nào cũng phải coi như Chúa tái lâm đến nơi.
Chúa Sẽ Đích Thân Đến (Xa 14:4; Công 1:11; Khải 1:7)
Bốn mươi ngày sau khi Chúa sống lại, Ngài nói chuyện với một nhóm môn đệ. Đang khi họ còn nhìn Ngài, thì thình lình Ngài được cất lên trời, và được một đám mây tiếp đi khuất mắt. Trong lúc các môn đồ còn nhìn lên trời ngơ ngẩn, thì có hai thiên sứ đến nói với họ: “Hỡi người Ga-li-lê! Sao các ngươi đứng ngóng lên trời làm chi? Giê-xu này đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi thấy Ngài lên trời vậy? (Công 1:11)
Khi các môn đệ cảm thấy bơ vơ mất mát, lời hứa này đã đến với họ. Nó cũng đến với chúng ta và những kẻ tin ở mọi thời đại, như một lời đoan quyết rằng Chúa sẽ thật sự trở lại. Sự trở lại của Ngài không phải chỉ là một cuộc viếng thăm mang tính thuộc linh, nhưng là sự đích thân trở lại. Ngài đã thăng thiên từ trái đất, thì Ngài sẽ trở lại trên trái đất: “trong ngày đó, chơn Ngài sẽ đứng trên núi Ô-li-ve, là núi đối ngang Giê-ru-sa-lem về phía đông” (Xa 14:4). Chúa đã lìa họ trong một thân thể thật, thì Ngài sẽ trở lại trong một thân thể thật, một thân thể phục sinh, vinh hiển. Chúng ta có thể nhận ra Ngài cũng như Thô-ma đã nhận ra Ngài khi Ngài đưa cho ông xem dấu đinh trên bàn tay Ngài.
Họ thấy Ngài thăng thiêng, và mọi mắt sẽ trông thấy Ngài rõ ràng khi Ngài giáng lâm từ trời. “Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cũng trông thấy, hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài “ (Khải 1:7)
Ngài Đến Với Các Thánh
(Giu-đe 14-15; Khải 19:14)
Khi Con Người ngự đến trên mây trời với uy nghi vinh hiển, Ngài không đến một mình đâu. “Kìa, Ngài ngự đến với muôn vàn thánh” (Giu-đe 14). Giăng đã thấy điều đó và viết: “các đạo binh trên trời đều mặc vải gai mịn, trắng và sạch, cỡi ngựa bạch theo Ngài” (Khải 19:14). Đạo binh đó chắc phải là các thánh, không phải chỉ hội thánh, nhưng gồm các thánh của thời Tân Ước và Cựu Ước, và những người bị Con Thú giết trong cơn đại nạn. Tất cả đều theo chân Đấng chiến thắng khải hoàn, khi Ngài vĩnh viễn triệt hạ Sa-tan và bè lũ a tòng theo nó, để cai trị trong công chính.
Vị Chủ Soái cỡi trên lưng ngựa bạch, và các thánh cũng đều cỡi ngựa bạch, vì họ đã nhờ Ngài được công chính, nên họ cũng dự phần chiến thắng, phán xét và cai trị với Ngài. Họ không mặc áo giáp, vì họ là bất tử, nhưng mặc vải gai mịn, trắng và sạch, vì áo họ đã được phiếu trắng trong huyết Chiên Con.
Có bao giờ bạn nghĩ tới đời sống trong tương lai mình đang thả bước rong chơi trên các đường phố lát vàng hay đang gãy thụ cầm bên giòng sông pha lê ở thiên đàng? Chúng ta được cứu không phải để được ở không đời đời, cũng không phải để làm việc tối tăm mặt mũi như ở đây. Nhưng Thượng Đế có chương trình cho mỗi chúng ta trong cõi đời đời. Chúng ta không thể nhìn thấu suốt tới lúc đó, nhưng Kinh Thánh cho chúng ta biết các thánh sẽ thi hành những công tác quan trọng trong nước thiên đàng. Ở đây Giăng cho thấy họ dự phần trong cuộc chiến đấu và toàn thắng của nước Chúa. Phao-lô cho biết những người được cứu sẽ được dự phần trong cuộc phán xét thế gian (I Cô 6:2), Khải Huyền cũng cho biết các thánh sẽ ngự trị với Ngài (Khải 20:6) và các tôi tớ Ngài sẽ phụng sự Ngài (Khải 22:3).
Ngài Đến Trong Uy Quyền Và Vinh Quang
(Ma-thi-ơ 24:29-31; 26:64; Mác 8:38; Lu 21:25-27)
Trên kia chúng ta đã nhắc đến một số đoạn Kinh Thánh nói về sự tái lâm vinh hiển uy nghi của Chúa. Ở đây ta lại xét đến một số đoạn khác. Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đều ghi lại lời tiên tri của Chúa cho biết Ngài sẽ trở lại trái đất sau thời kỳ đại nạn, trong vinh quang và uy quyền.
Trở lại buổi xét xử từng đưa Con Thượng Đế lên thập tự giá, thầy tế lễ thượng phẩm tìm cách tra gạn, buộc Chúa phải trả lời Ngài có phải là Chúa Cứu Thế Con Thượng Đế không, Chúa đã bảo họ, “Về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống” (Ma-thi-ơ 26:64). Phi-e-rơ nói đến buổi hóa hình đã hé mở cho thấy “quyền phép và sự đến của Chúa Jêsus – Christ chúng ta” (II Phi 1:16). Tất cả uy quyền vinh quang đó tương phản hẳn với lần đầu tiên Ngài đến trái đất như là Con Loài Người.
Thử tưởng tượng những kẻ đã từng coi nhẹ Chúa Cứu Thế bấy giờ sẽ có cảm tưởng ra sao! Thử tưởng tượng nỗi sầu thảm của những kẻ từng mắng nhiếc Ngài khi Ngài bị treo trên thập tự giá. Giăng nói rằng cả những kẻ đâm Ngài cũng sẽ nhìn thấy Ngài trong giờ phút khải hoàn của Ngài (Khải 1:7)
Không những loài người sẽ run rẩy sợ sệt trước oai nghi hiển hách của Ngài mà cả vũ trụ cũng rúng động. Núi Ô-li-ve bị chẻ làm đôi, đồi núi bị dời đi, các ngôi sao dời chỗ, mặt trời và mặt trăng cũng giấu mặt.
Ngài Đến Để Phán Xét
(Thi 2, Sô-phô-ni 1:14-18; Ma-thi-ơ 16:27; II Tê 1:7-10; Giu-đê 15)
Tại sao các dân tộc than khóc khi thấy Ngài hiện ra? Tại sao Thượng Đế cười khi “các ngoại bang náo loạn,. .. . các vua thế gian nổi dậy, các quan trưởng bàn nghị nghịch cùng nhau, nghịch Đức Giê-hô-va và nghịch Đấng chịu xức dầu của Ngài?” Bởi vì Ngài đến trong oai nghi vinh hiển để xét đoán thế gian. Ngài sẽ đập bể những kẻ phản loạn bằng “cây gậy sắt” của Ngài, và “làm vỡ nát” những kẻ vô đạo “khác nào bình gốm” như tác giả Thi Thiên đã diễn tả trong lời tiên tri về Đấng Mê-si-a đến để lập nước Ngài.
Hãy đọc Sô-phô-ni (1:14-18) để thấy những lời mô tả linh động lúc Chúa đến “đặng phán xét mọi người, đặng trách hết thảy những người không tin kính về mọi việc không tin kính họ đã phạm, cùng mọi lời sỉ hổ mà những kẻ có tội không tin kính đó đã nói nghịch cùng Ngài” (Giu đe 15).
Phao-lô viết cho thư tín hữu Tê-sa-lô-ni-ca, nói rằng “Đức Chúa Giê-xu từ trời hiện đến.. . giữa ngọn lửa hừng, báo thù những kẻ chẳng hề nhận biết Đức Chúa Trời, và không vâng phục Tin Lành của Đức Chúa Giê-xu Christ chúng ta. Họ sẽ bị hình phạt hư mất đời đời, xa cách mặt Chúa và sự vinh hiển của quyền phép Ngài” (II Tê 1:7-9).
Sự tái lâm của Đấng Christ không phải là một giáo lý mà nhiều người ưa thích. Đó là một hiện tượng đau thương cho con người ngọai trừ những kẻ đã thật sự được tái sanh. Người ta ưa nói về người Ga-li-lê hiền từ đã từng sống cuộc đời cao quý trên đất, nhưng không thích nhắc đến vị Đại Thẩm Phán trở lại trong uy quyền để trút đổ cơn phẫn nộ và báo thù thiên thượng trên thế giới tội lỗi. Đấng Cứu Thế sẽ đến để khôi phục mọi phước lành đã bị đánh mất từ khi loài người sa ngã, và mở màn cho Thiên Niên Kỷ, nhưng trước khi có phước lành thì phải có sự phán xét, và sự công chính sẽ không thể nào phổ cập trên đất khi mà Sa-tan và bè lũ của nó chưa bị triệt hạ hoàn toàn.
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.