Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Kiến Thức » Ba Ngôi Thiên Chúa: Chương 8a

Ba Ngôi Thiên Chúa: Chương 8a

BookCover
SỰ CHẾT HY SINH CỦA CHÚA CỨU THẾ

(The Sacrificial Death of Christ)

Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá là giáo lý nền tảng của Hội Thánh Ngài. Thập tự giá là biểu hiện cho đức tin chúng ta. Giá trị của các vĩ nhân thường căn cứ vào đời sống của họ. Nhưng với Chúa Giê-xu thì sự chết của Ngài mới đem lại cho loài người những phước hạnh  lớn lao hơn hết.

Thập tự giá thấm nhập toàn bộ Kinh Thánh. Những giáo huấn của Môi-se nói trước ý nghĩa của nó. Các sách lịch sử cho thấy nó là cần thiết. Các sách Thi Thiên vẽ ra thực tại của nó. Các vị tiên tri mô tả nó sẽ đến như thế nào. Các sách Phúc âm công bố sự hiện diện của nó. Sách Công Vụ rao giảng quyền năng của nó. Các thư  tín giải thích mục đích của nó. Sách Khải Huyền cho thấy kết cuộc phước hạnh của nó.

Người  ta thường nói rằng, “Cắt Kinh Thánh ở bất cứ chỗ nào cũng thấy máu chảy, chân lý về sự cứu chuộc nhuộm đỏ Kinh Thánh.” Tính trung bình cứ 44 câu Kinh Thánh Tân Ước thì có một câu đề cập đến sự chết hy sinh của Chúa Cứu Thế. Nó được nhắc đến 175 lần tất cả.

Nếu sự giáng sinh của Chúa chia đôi thời gian, thì thập tự giá của Ngài chia đôi cõi đời đời. Chúa Cứu Thế là Chiên Con đã được định từ trước khi sáng tạo thế giới là sẽ bị giết (I Phi-e-rơ 1:19-20). Sau khi Chiên Con bị giết, Ngài trở thành đề tài của những lời ca ngợi không bao giờ chấm dứt (Khải 5:13).

Theo lý luận thông thường thì không thể nào tiên đoán rằng Đấng Mê-si-a sẽ bị xử tử bằng thập hình. Phương pháp xử tử thông dụng của người Do Thái là ném đá (Lê-vi 20:2; Phục Truyền 13:6-10; 17:2-5)  và Cựu Ước kể lại nhiều trường hợp áp dụng hình án đó. (Lê-vi 24:11-14; Dân Số Ký 15:32-36; I Các Vua 12:18; 21:13; II Sử Ký 24:20-21). Luật Môi-se quy định hình phạt ném đá dành cho những kẻ gian dâm và phạm thượng. Có lần người Do Thái xin Chúa cho phép ném đá một người đàn bà có tội (Giăng 8:4-5)  lần khác người ta lượm đá ném Chúa vì Ngài tuyên bố mình bình đẳng với Đức Chúa Trời (Giăng 10: 30-33).

Khi những lời tiên tri đầu tiên về sự chết của Chúa được chép ra thì người Do Thái chưa hề biết đến thập hình. Lúc ấy hầu như là chưa có người La-mã, dân tộc đầu tiên sử dụng hình án man rợ này.  Một chuỗi biến cố lịch sử đã xảy ra, đưa dân tộc La-mã lên thống trị thế giới. Vào thời của Chúa, dân tộc Do Thái cũng như nhiều dân tộc khác phải thần phục Hoàng đế La-mã (Cesar). Các dân thuộc địa của La-mã không còn được phép xử tử các phạm nhân của mình. Vi vậy người Do Thái phải nhờ đến tay Tổng trấn La-mã để xử tử các tội phạm của họ. Chính vì hoàn cảnh lạ lùng bất ngờ đó mà Chúa bị người La-mã xử thập hình thay vì bị người Do Thái ném đá chết.

Chúa Giê-xu nói: “Chẳng có sự yêu thương nào lớn hơn là vì bạn hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13). “Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết” (Rô-ma 5:8). Có người đã bỏ mạng sống vì bạn hữu mình, nhưng tình yêu lạ lùng của Chúa đã vươn đến cả những kẻ thù của Ngài. Ngài từ trời cao muôn trùng xuống đến thập tự giá thấp hèn, gục đầu chịu cái chết hổ nhục, đau đớn. Đó là một của lễ hy sinh lớn nhất cho nhân loại. Đức Chúa Trời đã ban Con yêu dấu của Ngài làm sinh tế “hầu cho hễ ai tin Ngài thì không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16).

VAI TRÒ NỔI BẬT CỦA SINH TẾ

(Prominence of the Sacrifice)

Mục Đích Của Sự Nhập Thể (Incarnation)

Chúa Giê-xu ra đời để làm gì? Tên mà Giô-sép đã đặt cho Ngài theo lệnh Đức Chúa Trời cho biết Ngài là vị Cứu Tinh của dân Ngài (Ma-thi-ơ 1:21). Chính Ngài tuyên bố rằng Ngài đến để cống hiến mạng sống Ngài làm giá chuộc cho nhiều người (Ma-thi-ơ 20:28). Từ lúc khởi đầu thánh vụ, Ngài đã biết rằng thập tự giá sẽ kết liễu mạng sống Ngài.

Bí Mật Đối Với Các Vị Tiên Tri Thời Cựu Ước

Một trong những bằng chứng Kinh Thánh được thần cảm là người viết nhiều lúc không hiểu được những điều Đức Chúa Trời khiến họ viết ra. Sự chết của Chúa dầu đã được tuyên báo từ nhiều thế kỷ trước khi Ngài xuất hiện, vẫn là một điều bí mật đối với các vị tiên tri (I Phi 1:10-12). Ngay cả các thiên sứ cũng không được thông báo đầy đủ về kế hoạch và mục đích của biến cố đau thương hơn hết này, nhưng nó vô cùng quan trọng đến nỗi họ ước ao được biết rõ hơn.

Bí Mật Đối Với Các Môn Đệ

Sự chết của Chúa được các tác giả Thi Thiên và các nhà tiên tri mô tả rõ ràng từ nhiều thế kỷ trước khi sự việc xảy ra, điều đó chứng tỏ Kinh Thánh là lời Đức Chúa Trời. Chính Chúa Giê-xu đã lưu ý môn đệ về sự kiện này (Lu 24:44). Có điều lạ là các môn đệ không hiểu nổi những khúc  kinh Cựu Ước tiên báo về lịch sử của Chúa Giê-xu và mô tả chi tiết về sự đau khổ và vinh quang của Ngài. Điểm đáng lưu ý về các khúc Kinh Thánh này là người Do Thái không hề nghĩ rằng Đấng Mê-si-a mà họ mong đợi sẽ bị giết chết, mà chỉ tin rằng Ngài sẽ được lên ngôi Vua. Ngay cả các môn đệ cũng không hiểu được những lời Chúa đề cập đến sự chết của Ngài.

Sự thật là Cựu Ước nói nhiều về vị vua sẽ đến cũng như tiên báo về Đấng Cứu Thế bị đóng định trên thập tự gía. Vị thiên sứ báo tin cho Ma-ri về sự ra đời của Chúa cũng không nói gì về sự chết Ngài mà chỉ cho biết rằng Ngài “Sẽ được tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao, và Chúa là Đức Chúa Trời, sẽ ban cho Ngài ngôi Đa-vít là tổ phụ Ngài: Ngài sẽ trị vì đời đời nhà Gia cốp, nước Ngài vô cùng” (Lu-ca 1:32-33). Không lạ gì mà lòng Ma-ri cứ vấn vương suy nghĩ về những lời đó, và tim bà như bị lưỡi gươm đâm xuyên qua (Lu-ca 2:35) khi bà đứng tại chân thập tự giá nhìn con mình chưa hề được tôn vương mà lại phải chịu khổ hình.

Vị Trí Trong Sách Phúc Âm

Nghiên cứu kỹ sách Phúc Âm ta thấy sách không nhắc nhiều tới những năm trong đời Chúa, nhưng lại nói rất nhiều về tuần lễ cuối cùng của Ngài. Nếu đúng như một số người cho rằng không phải sự chết của Chúa, mà là đời sống Ngài, mới là đề tài quan trọng, thì các tác giả sách Phúc Âm đã làm một chuyện ngược đời khi họ kể  rất vắn tắt các biến cố trong đời sống của Chúa, nhưng lại mô tả rất chi tiết các sự việc liên quan đến sự chết Ngài. Tác giả Phúc Âm Giăng, sau khi ghi lại những câu chuyện và lời đàm thoại không có ghi trong  Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca, đã dành ra 10 chương trong 21 chương sách của ông mô tả những biến cố dẫn đến thập tự giá và sự sống lại của Chúa.

Phao-lô lấy thập tự giá làm chủ đề cho bài giảng đầu tiên và các bài giảng khác của ông (I Cô-rinh-tô 15:1-3). Cũng như Phi-e-rơ vào ngày lễ Ngũ Tuần, Phao-lô nhấn mạnh rằng sự chết của Chúa là “Theo lời Kinh Thánh.”

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top