Vài Đặc Điểm Của Bản Dịch Kinh Thánh Truyền Thống Hiệu Đính
LỜI NÓI ĐẦU VỀ
BẢN KINH THÁNH TRUYỀN THỐNG HIỆU ĐÍNH
Cùng với nỗ lực truyền bá Phúc Âm, thiết lập và phát triển Hội Thánh của Chúa trên đất nước Việt Nam, một bản dịch Việt ngữ Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đã được các đầy tớ và con cái Chúa dày công phiên dịch và được Thánh Kinh Hội xuất bản vào năm 1926. Từ đó đến nay, bản dịch Kinh Thánh này được sử dụng trong tất cả các Hội Thánh tại Việt Nam cũng như ở hải ngoại, góp phần hữu hiệu vào việc xây dựng đời sống tâm linh của tín hữu và Hội Thánh cũng như việc mở rộng vương quốc Đức Chúa Trời trên đất.
Bản Dịch Kinh Thánh năm 1926 nói chung là một bản dịch rất chính xác so với nguyên văn, có nhiều ưu điểm và có văn phong rất phù hợp với con người và văn hóa Việt Nam, được tất cả con cái Chúa yêu mến, trân trọng suốt 90 năm qua.
Tuy nhiên, theo thời gian cùng với sự thay đổi, chuyển hóa của ngôn ngữ, một số từ đã trở nên cổ, một số từ mà ngữ nghĩa đã thay đổi, một số cách diễn đạt không còn thích hợp, đôi chỗ hơi xa lạ, và trở nên khó hiểu cho nhiều người, đặc biệt cho thế hệ trẻ hiện nay. Vì thế, những người hầu việc Chúa cùng nhiều tín hữu trong và ngoài nước nhận thấy nhu cầu hiệu đính Bản Dịch 1926 là cần thiết. Do đó, sau nhiều năm cầu nguyện, một dự án hiệu đính Kinh Thánh đã được hình thành dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội (United Bible Society – UBS), và một Ban Hiệu Đính đã được tuyển chọn và huấn luyện. Bên cạnh Ban Hiệu Đính còn có các ban chuyên trách như Ban Cố Vấn gồm các chuyên gia phiên dịch Kinh Thánh của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, Ban Duyệt Lãm về nội dung Thánh Kinh và thần học, và Ban Duyệt Lãm về văn phong gồm các đầy tớ và con cái Chúa cùng với các nhà giáo, bác sĩ, kỹ sư, sinh viên ngoài Hội Thánh.
Công tác hiệu đính Bản Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước được tiến hành dựa trên nguyên tắc chung là giữ lại văn phong của bản 1926, đối chiếu với nguyên bản Hi Bá Lai Biblica Hebraica Stuttgarttensia (BHS) và Hi Lạp The Greek New Testament (UBS 4) và tham khảo các bản Kinh Thánh tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Hoa để hiệu đính những chỗ cần thiết.
Những lĩnh vực cần hiệu đính như: các từ ngữ cổ, các từ mà ngữ nghĩa đã thay đổi, cách diễn đạt không phù hợp, lỗi chính tả, lỗi cú pháp, cấu trúc câu không sáng sủa, những chỗ không chính xác, thiếu sót, phiên âm không nhất quán và một số vấn đề liên quan đến giải kinh và thần học, …
Sau một thời gian làm việc liên tục, bản thảo Tân Ước Hiệu đính đã được ấn hành và gửi tới quý tôi con Chúa vào năm 2004 để đọc và góp ý. Đồng thời Ban Hiệu Đính tiếp tục hiệu đính và hoàn tất bản thảo Cựu Ước vào cuối năm 2007. Để tiếp cận, trao đổi và thu nhận những ý kiến đóng góp của quý mục sư, truyền đạo trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng như trong các hệ phái Tin Lành khác, Liên Hiệp Thánh Kinh Hội đã tổ chức ba kỳ hội thảo về công tác hiệu đính vào tháng 5/2005, tháng 6/2007 và tháng 1/2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua các lần hội thảo, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ và đóng góp ý kiến tích cực, hữu ích của quý đầy tớ Chúa, đặc biệt của Ban Trị Sự Tổng Liên Hội Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số ý kiến phản hồi hữu ích khác của quý đầy tớ Chúa trong và ngoài nước.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục chỉnh sửa và bổ sung dựa theo những góp ý, đề nghị của quý tôi con Chúa cũng như sự cố vấn của các chuyên viên Liên Hiệp Thánh Kinh Hội, và cuối cùng đã hoàn tất Bản Hiệu Đính Cựu Ước và Tân Ước này.
Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, Bản Hiệu Đính này đến tay quý vị vẫn không sao tránh khỏi những khuyết điểm, thiếu sót. Ước mong quý vị vui lòng tiếp tục góp ý để Bản Hiệu Đính Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước được hoàn chỉnh hơn trong lần xuất bản sau. Xin chân thành cảm ơn.
Sau đây chúng tôi xin trình bày vài ví dụ tiêu biểu về một số vấn đề trong công tác hiệu đính.
QUY TRÌNH HIỆU ĐÍNH
Công tác hiệu đính được tiến hành qua 5 giai đoạn: trước hết các thành viên trong Ban Hiệu Đính được Điều phối viên của Liên Hiệp Thánh Kinh Hội phân công hiệu đính từng sách trong Kinh Thánh để hoàn thành bản thảo thứ 1. Sau đó Ban Hiệu Đính ngồi lại đọc, chỉnh sửa để hoàn thành bản thảo thứ 2 và gửi đến các thành viên trong các Ban Duyệt Lãm Thánh Kinh, thần học và văn phong để đọc và góp ý. Kế đến, Ban Hiệu Đính tiếp tục chỉnh sửa dựa trên những góp ý đó để hoàn thành bản thảo thứ 3. Bản thảo này được trình cho chuyên viên dịch thuật Liên Hiệp Thánh Kinh Hội kiểm tra, xem xét, chỉnh sửa để hoàn thành bản thảo thứ 4. Cuối cùng, các chuyên viên kỹ thuật Liên Hiệp Thánh Kinh Hội kiểm tra, bổ sung các phần phụ lục lần cuối để hoàn chỉnh bản thảo thứ 5 trước khi ấn hành.
PHƯƠNG CHÂM
Phương châm của chúng tôi trong khi làm công tác hiệu đính Kinh Thánh là Đúng hơn, rõ hơn và hay hơn. Để làm được việc này, chúng tôi phải đối chiếu với nguyên ngữ Kinh Thánh để rà soát lại từng từ, từng câu trong Bản Truyền Thống 1926, đồng thời tham khảo các bản dịch khác để dịch đúng hơn, rõ hơn, dễ hiểu hơn và nếu có thể được thì hay hơn, có giá trị văn chương hơn.
NHỮNG LĨNH VỰC CẦN HIỆU ĐÍNH
1. Các từ cổ, các từ mà ngữ nghĩa đã thay đổi và cách diễn đạt không còn phù hợp nữa:
a. Từ, nhóm từ cổ:
vả, đoạn, chỉn, nhưng không, bèn, há, khứng, nhược bằng, ghe phen, đòi phen, quả thật quả thật, tà vạy, để nhẹm, hầu việc, xoàng ba, nghinh thú, cà tán, lợi đặt, đóng trăng, tận thủ, …
b. Cách diễn đạt không còn phổ quát:
Ví dụ:
– chùm bao ăn lan –> chứng hoại thư lây lan (II Ti-mô-thê 2:17);
– cái nố lu-la –> bọn tạp dân nổi loạn (Gióp 30:12);
– xáng dép –> ném giày (Thi Thiên 60:8; 108:9);
– xương bọc lấy da –> da bọc xương (Ca Thương 4:8);
– ăn theo giờ xứng đáng –> ăn uống có giờ giấc (Truyền Đạo 10:17)
c. Ngữ nghĩa đã thay đổi:
Ví dụ:
– dân sự –> dân Chúa (II Sử Ký 7:14);
– của quí –> châu báu (Ma-thi-ơ 2:11);
– cảm động –> tác động hay ngự trên, đến trên hoặc thúc giục (Dân Số Ký 24:2; I Sa-mu-ên 16:13; 19:23; II Sử Ký 24:20; Ê-xơ-ra 1:5).
d. Từ ngữ địa phương:
Ví dụ:
– cái o –> cái ức hay ngực (Xuất Ai Cập Ký 29:26…);
– chạy ên –> chạy một mình (II Sa-mu-ên 18:24, 26);
– vọi (Lu-ca 5:7) –> ra hiệu.
e. Cách xưng hô:
Bản Hiệu Đính thay đổi cách xưng hô tùy theo đối tượng cho phù hợp với ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam:
– Chúa phán với đoàn dân hay một người nào đó thì dùng Ta với các ngươi hoặc ngươi;
– Chúa phán với các môn đồ thì dùng Ta với con hay các con. – Trong các Thi Thiên, khi thì tác giả nói với Chúa, khi thì nói với mọi người, khi thì nói với chính mình cho nên cách xưng hô cũng khác nhau. Ví dụ: Thi Thiên 23, 91, 116, 118,…
Ngoài ra, cần thay đổi hô ngữ để tỏ bày lòng tôn kính với Chúa:
– Hỡi Đức Giê-hô-va! –>Lạy Đức Giê-hô-va! hoặc Đức Giê-hô-va ôi!
– Hỡi Đức Chúa Trời! –> Lạy Đức Chúa Trời! hoặc Đức Chúa Trời ôi!
– Hỡi Chúa! –> Lạy Chúa! hoặc Chúa ôi!
2. Các thuật ngữ Thánh Kinh và thần học; các từ mà cách phiên âm chưa nhất quán hay chưa hợp lý:
a. Những thuật ngữ:
Ví dụ:
– của lễ thù ân –> tế lễ bình an, tế lễ tạ ơn, hoặc tế lễ cảm tạ tùy theo văn mạch;
– bánh trần thiết –> bánh cung hiến;
– Hòm Bảng Chứng –> Hòm Chứng Ước;
– hội mạc –> Lều Hội Kiến;
– bệnh phung –> bệnh phong hủi;
– chi phái –>bộ tộc;
– họ hàng –> gia tộc;
– quan án –> thẩm phán;
– nhà –> gia đình;
– quan trưởng –> nhà lãnh đạo;
– Ê-díp-tô –> Ai Cập;
– Gờ-réc –> Hi Lạp;
– Cơ-rê-tiên –> Cơ Đốc nhân
– Tòa công luận –> Hội đồng Công luận…
– công bình, xưng công bình –> công chính, xưng công chính;
– nước Đức Chúa Trời –> vương quốc Đức Chúa Trời;
Giữ lại các từ: Hòm Giao Ước, lễ quán, quan xét, sản nghiệp, ân điển, Con Người, môn đồ…
b. Cách phiên âm chưa nhất quán, chưa hợp lý:
Trong bản 1926, cùng một từ trong nguyên ngữ nhưng lại được phiên âm khác nhau.
Ví dụ:
– Địa danh Cu-sơ (Sáng Thế Ký 2:13) có chỗ phiên âm là Cúc (Sáng Thế Ký 10:8); do đó, chúng tôi thống nhất phiên âm là Cút.
Cũng vậy:
– Tên Y-sai, Gie-sê (Ê-sai 11:1; Ma-thi-ơ 1:5,6) –> Gie-sê.
– Tháng Kít-lơ, Kít-lêu (Nê-hê-mi 1:1; Xa-cha-ri 7:1) –> Kít-lêu.
Cách phiên âm danh xưng của Chúa là Jêsus Christ cũng chưa hợp lý. Nguyên văn Hi Lạp là Iesous Christos (Ἰησοῦς Χριστός), được phiên âm và đọc theo âm tiếng Pháp, nhưng một nửa thì phiên âm “Jêsus” còn một nửa thì giữ nguyên “Christ”. Tuy nhiên vì cách phiên âm này đã quen dùng lâu ngày trong Hội Thánh nên Bản Hiệu Đính vẫn giữ như cũ và đề nghị đọc là Giê-xu Cơ-rít hoặc dùng danh xưng Giê-xu Cơ Đốc thì hợp lý hơn. Cũng vậy, Đấng Christ đọc là Đấng Cơ-rít hoặc Đấng Cơ Đốc.
Ngoài ra, về phiên âm, Bản Hiệu Đính cập nhật theo cách phiên âm hiện đại:
– Mích-ba –> Mích-pa;
– Ba-ra-đi –> Pa-ra-đi;
– Cơ-lê-ô-ba –> Cơ-lê-ô-pa…
Giữ lại từ Phao-lô, Phi-e-rơ vì quá quen thuộc.
3. Thiếu một từ, một nhóm từ, một câu so với nguyên tác; lỗi chính tả, dấu chấm câu, cấu trúc câu
a. Thiếu từ, câu:
– Dân Số Ký 28:11: “hai con bò đực tơ và bảy con chiên đực” –> “hai con bò đực tơ, một con chiên đực và bảy chiên con đực”
– Giô-suê 19:30 “Hai mươi thành” –> “hai mươi hai thành”
– Thi Thiên 122:4 thiếu vế cuối “Để cảm tạ danh của Đức Giê-hô-va”.
b. Lỗi chính tả, cấu trúc câu:
Ưu điểm của Bản Dịch 1926 là rất ít lỗi chính tả. Khi hiệu đính, chúng tôi dựa vào từ điển và văn phạm hiện hành ở Việt Nam.
Ví dụ: Không dùng dấu gạch nối từ kép, ngoại trừ những từ phiên âm như: Y-sơ-ra-ên, Giu-đa, Hê-bơ-rơ…
Bản Dịch 1926 dùng quá nhiều dấu chấm phẩy (;) và dấu phẩy (,) nên chúng tôi giảm bớt.
Bản Dịch 1926 không dùng dấu ngoặc kép khi trích dẫn hoặc trong đối thoại. Chúng tôi sử dụng dấu ngoặc kép trong Bản Hiệu Đính. Một số trường hợp chúng tôi phải thay đổi cấu trúc câu để câu văn sáng sủa, dễ hiểu hơn. (Hê-bơ-rơ 1:4; Rô-ma 1:1-7; Ê-phê-sô 4:12-13…)
4. Những chỗ không chính xác hoặc gây hiểu lầm:
– Sông nước hằng sống –> những dòng sông sự sống (số nhiều) (Giăng 7:38)
– Nơi cư trú Ngài đáng thương thay –> Nơi ngự của Ngài đáng yêu thay! (Thi Thiên 84:1)
– Lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình –> lấy lòng sợ sệt run rẩy mà hoàn tất sự cứu rỗi mình (Phi-líp 2:12)
– Làm việc vô lương –> làm việc không công (Giê-rê-mi 22:13)
– Sự dạy về phép báp-têm –> sự dạy dỗ về các báp-têm (số nhiều). Có thể dịch: các nghi lễ thanh tẩy. (Hê-bơ-rơ 6:2)
– Sa-tan đã đòi sàng-sảy ngươi –> Sa-tan đòi sàng sảy các con (Lu-ca 22:31)
5. Một số vấn đề liên quan đến giải kinh và thần học:
Một số từ có nhiều nghĩa nên tùy văn mạch mà dịch cho thích hợp.
Ví dụ:
Động từ Nakhem יִנָּחֵ֑ם có 4 nghĩa:
– Ăn năn –> Ăn năn (I Sa-mu-ên 15:29);
– Ăn năn –> Hối tiếc hoặc đau buồn (I Sa-mu-ên 15:35)
– Trở lại –> Trở lại (Thi Thiên 90:13);
– Ăn năn –> Đổi ý (I Sử Ký 21:15)
Từ Cosmosκόσμος có 5 nghĩa:
– Thế giới –> Thế giới (Công Vụ 17:24);
– Thế gian –> Trần gian (1 Giăng 4:9)
– Thế gian –> Thế gian (Thế nhân hay nhân loại) (Giăng 3:16)
– Thế gian –> Thế gian (Giăng 3:17)
– Thế gian –> Thế gian (ý tiêu cực, chống lại Đức Chúa Trời) (I Giăng 2:15)
Từ Peirasmosπειρασμός có 2 nghĩa: Thử thách hoặc Cám dỗ
– Cám dỗ –> Thử thách (Gia-cơ 1:12);
– Cám dỗ –> Cám dỗ (Gia-cơ 1:14)
Từ Sarxσὰρξ có thể dịch:
– Xác thịt –> Xác thể (Giăng 1:14);
– Xác thịt –> Xác thịt (Ga-la-ti 5:16)
NHỮNG PHẦN MỚI TRONG BẢN HIỆU ĐÍNH
1. Giới thiệu tổng quát từng sách trong Kinh Thánh
Phần này nhằm giúp độc giả có cái nhìn tổng quát của từng sách trong Kinh Thánh. Nội dung lời giới thiệu gồm hai phần: mục đích của sách và bố cục tổng quát của sách.
2. Cước chú và Kinh Thánh tham chiếu
Bản Hiệu Đính có thêm nhiều cước chú (đánh dấu theo mẫu tự a, b, c,…) so với Bản Dịch 1926 nhằm giúp độc giả hiểu Kinh Thánh dễ dàng hơn. Đặc biệt có phần tham chiếu các đoạn Kinh Thánh liên quan được in dưới các dòng tựa hoặc ở cuối trang để tiện tham khảo.
3. Bảng từ ngữ Kinh Thánh
Phần này tổng hợp một số từ vựng trong Kinh Thánh được trình bày song ngữ Anh-Việt để tiện tham khảo.
4. Bảng chú dẫn Kinh Thánh
Tổng hợp các chú thích, dẫn giải trong Kinh Thánh.
5. Bảng đối chiếu các sách Tin lành
Phần này giúp độc giả so sánh đối chiếu giữa bốn sách Tin Lành để tìm những điểm tương đồng và dị biệt và hiểu nét đặc trưng của từng sách Tin lành.
6. Bản đồ Kinh Thánh mới
Bản Hiệu Đính có 16 bản đồ mới, tiện lợi cho việc tìm hiểu địa lý Thánh Kinh.
Ban Hiệu Đính
Liên Hiệp Thánh Kinh Hội
(United Bible Society)
Thư Viện Tin Lành (2017)
www.thuvientinlanh.org
Bài Mới
Leave a Comment
You must be logged in to post a comment.