Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Bài Nhiều Người Đọc » Khoa Học và Niềm Tin: Ánh Sáng Cho Trần Gian

Khoa Học và Niềm Tin: Ánh Sáng Cho Trần Gian

Ánh Sáng Cho Trần Gian

“Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm.” Thi Thiên 19:1

Ánh sáng là yếu tố căn bản cần thiết cho đời sống con người cũng như cho mọi sinh vật trên trái đất. Hằng ngày ai trong chúng ta cũng tiếp xúc với ánh sáng; tuy nhiên nếu đươc hỏi rằng ánh sáng là gì, ít ai trong chúng ta có thể có ngay một định nghĩa hay một câu trả lời rõ ràng.

Ánh sáng là gì? Ánh sáng được cấu tạo như thế nào? Bản chất của ánh sáng là gì? Đây là những câu hỏi rất quan trọng khiến các khoa học gia trên thế giới đã nghiên cứu suốt vài trăm năm để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này. Môn vật lý đã dành riêng một ngành để nghiên cứu về ánh sáng gọi là quang học. Các triết gia cũng đã có những cuộc tranh luận bất tận để tìm định nghĩa về ánh sáng.

Chúa Giê-xu đến thế gian cách đây đã hơn 2000 năm. Phúc Âm Giăng là một trong bốn sách Phúc Âm trong Thánh Kinh.  Khác với những Phúc Âm kia, Phúc Âm Giăng không ghi lại sự tích Chúa Giê-xu giáng sanh; nhưng trong phần mở đầu, Sứ Đồ Giăng giới thiệu Chúa Giê-xu là ánh sáng của thế gian. Qua những khám phá của khoa học và sự dạy dỗ của Thánh Kinh, trong bài viết này chúng ta cùng tìm hiểu một vài ý nghĩa về sự sáng mà Sứ Đồ Giăng muốn dùng để nói về Chúa.

Bản Chất Của Ánh Sáng

Từ xa xưa, người Hy Lạp cho rằng ánh sáng được cấu tạo từ những hạt nhỏ, những hạt này phát sáng và mang ánh sáng từ nơi này sang nơi khác. Bác học Isaac Newton là người đầu tiên công bố công trình nghiên cứu khoa học về bản chất của ánh sáng. Năm 1666, Newton dùng một lăng kính tam giác để chiết xuất ánh sáng và chứng minh rằng ánh sáng mà chúng ta thường thấy được tổng hợp từ nhiều màu khác nhau. Bác học Newton đã tìm ra quang phổ. Theo Newton, mỗi quang phổ được tạo thành nhờ những hạt giao động với những bước sóng khác nhau, do đó tạo nên nhiều màu khác nhau. Newton dùng lý thuyết hạt của ánh sáng để giải thích hiện tượng phản xạ và khúc xạ. Quan điểm về ánh sáng được cấu tạo từ những hạt vốn được tin tưởng từ xưa nay được Newton chứng minh nên được nhiều khoa học gia ủng hộ.

Năm 1690, nhà vật lý và thiên văn Hòa Lan Christian Huygens công bố một lý thuyết mới cho rằng ánh sáng có bản chất sóng. Christian Huygens là một khoa học gia rất nổi tiếng về quang học và cơ hoc. Ông là một trong những thành viên đã sáng lập ra Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp. Vào thời đó, Christian Huygens được xem là khoa học gia uy tín nhất chỉ sau Newton. Lý thuyết về ánh sáng có bản chất sóng giúp giải thích được nhiều hiện tượng khác liên quan đến ánh sáng. Christian Huygens cho rằng giống như âm thanh lan truyền qua môi trường là không khí; ánh sáng có thể truyền từ nơi này qua nơi khác qua một môi trường mà Huygens gọi là chất aether. Lý thuyết này giúp giải thích được một câu hỏi rất hóc búa mà các nhà vật lý và thiên văn thời đó vẫn chưa có câu trả lời là làm thế nào ánh sáng có thể truyền qua những khoảng cách gần như là chân không giữa những giải thiên hà với vận tốc rất nhanh 300.000 cây số mỗi giây. Trong những khoảng không đó, không có nhiều hạt làm sao ánh sáng có thể truyền được.  Dùng bản chất sóng của ánh sáng, Huygens cũng giải thích được hiện tượng khúc xạ, phản xạ và đặc biệt là hiện tượng khúc xạ đôi mà Newton không đề cập đến.

Lý thuyết của Huygens rất quan trọng, tuy nhiên không được các khoa học gia thời ấy quan tâm mấy.  Lý do khá đơn giản.  Vào thời ấy, Newton rất nổi tiếng và sống khá lâu.  Trong khi đó, chỉ 5 năm sau khi công bố lý thuyết sóng của ánh sáng, Huygens qua đời.  Trong khi đó, năm 1704 Newton lại phối hợp lý thuyết về bản chất hạt của ánh sáng với những định lý cơ học mà ông đã chứng minh để giải thích những hiện tượng quang học khác một cách chính xác.  Do đó, lý thuyết về bản chất hạt của ánh sáng càng được nhiều người ủng hộ.

Gần 100 năm trôi qua, đến năm 1803, khoa học gia Thomas Young làm sống lại chủ trương ủng hộ bản chất sóng của ánh sáng.  Thomas Young làm thí nghiệm về hiện tượng giao thoa. Ông dùng hai tia sáng khác nhau phối hợp lại và chứng minh rằng giống như hai sóng nước gặp nhau, tia sáng tổng hợp sẽ có hướng chuyển động và vận tốc giống như lý thuyết sóng phải có.

Hơn 10 năm sau, vào năm 1814, Augustin Fresnel dùng bản chất sóng của ánh sáng giải thích hiện tượng nhiễu xạ.  Hiện tượng nhiễu xạ là hiện tượng ánh sáng bị lệch hoặc nhòa đi khi chiếu qua một lỗ hở quá nhỏ hoặc tiếp xúc với những góc cạnh của vật thể.  Thí nghiệm giao thoa của Thomas Young và thí nghiệm nhiễu xạ của Augustin Fresnel chứng minh ánh sáng có bản chất sóng.

Năm 1864, lý thuyết sóng về bản chất của ánh sáng lại được ủng hộ mạnh mẽ hơn bởi thuyết sóng điện từ của Jame Clerk Maxwell (1864).  Jame Maxwell chứng minh rằng điện trường và từ trường phối hợp với nhau có thể lan truyền như sóng với vận tốc bằng vận tốc ánh sáng (300.000 Km/giây).  Ánh sáng mà chúng ta thấy được được cấu tạo từ sóng điện từ và tạo nên quang phổ từ trường.  Lý thuyết của Maxwell được trình bày chặt chẽ với những phương trình toán học giải thích về bản chất sóng và được khẳng định bởi thí nghiệm của Henry  Hezt vào năm 1866.  Lý thuyết sóng điện từ của Maxwell đã đặt nền tảng cho kỹ nghệ truyền thanh, truyền hình và viễn thông ngày nay.

Mặc dù đã được nghiên cứu và giải thích trong suốt hơn 200 năm, các khoa học gia trên thế giới vẫn bâng khuâng không biết rõ bản chất của ánh sáng là gì. Ánh sáng có bản chất sóng hay hạt? Newton và Huygens đều là những khoa học gia vĩ đại, lý thuyết họ nêu ra không có gì sai lầm. Những người ủng hộ Newton và Huygens đã thực hiện nhiều thí nghiệm để chứng minh lý thuyết hạt và sóng nhưng công chúng vẫn không biết đâu là chân lý.

Đến cuối thế kỷ 19, những người ủng hộ quan điểm của Huygens đã thực hiện một số thí nghiệm chứng minh bản chất sóng của ánh sáng, nhưng vẫn còn hai vấn đề chưa được giải thích. Trước hết, môi trường aether mà Huygens cho là môi trường để ánh sáng được lan truyền đó là gì? Thứ hai, nếu ánh sáng có bản chất sóng, làm thế nào để giải thích về ảnh hưởng của ánh sáng trên phim ảnh? Những người ủng hộ quan điểm của Huygens cố công giải thích hai vấn đề này. Albert Abraham Michelson (1881) rồi Edward Williams Morley (1887) lần lượt thực hiện những thí nghiệm nhằm chứng minh sự tồn tại của chất aether nhưng cả hai thí nghiệm nổi tiếng này đều thất bại.

Đầu thế kỷ thứ 20, Max Planck quay trở về quan điểm bản chất hạt của ánh sáng. Max Planck dùng bản chất hạt của ánh sáng để giải thích hiện tượng bức xạ, là hiện tượng làm năng lượng tách ra khỏi vật thể bị đun nóng.

Đến năm 1905, một quan điểm mới về bản chất của ánh sáng được công bố. Nhà bác học thiên tài Albert Einstein công bố thuyết tương đối. Einstein chứng minh rằng không cần aether, sóng điện tử vẫn có thể lan truyền được; do đó ánh sáng có thể lan truyền mà không cần một môi trường như Huygens đã nói.

Vấn đề hóc búa thứ hai cũng được Einstein giải thích bằng một lý thuyết khác đó là thuyết lượng tử vào cùng năm ấy. Dựa trên lý thuyết về bức xạ nhiệt của Max Planck (1900),  Einstein cho rằng không phải chỉ có nguồn bức xạ dao động nhưng chính bức xạ cũng dao động nữa. Einstein chứng minh rằng ánh sáng, cũng như những dạng khác của sóng điện từ, chuyển động từng nhóm bằng những hạt mà Einstein gọi là lượng tử.

Từ những luận cứ trên, Einstein cho rằng ánh sáng có cấu trúc hạt mang năng lượng nhưng khi chuyển động thì ánh sáng mang bản chất sóng. Vài năm sau, lý thuyết về quang phổ và mô hình nguyên tử do Neils Bohr (1913) định nghĩa đã chứng minh quan điểm của Einstein hoàn toàn đúng.

Cuối cùng đến năm 1924, bác học Lous de Broglie giải thích rằng ánh sáng có cả bản chất hạt và bản chất sóng. Ngày nay, các khoa học gia nhìn nhận ánh sáng có cả hai bản chất hạt và sóng. Đôi khi ánh sáng cư xử như những hạt, nhưng có lúc ánh sáng hoạt động như sóng. Với cách nhìn mới về bản chất của ánh sáng, các khoa học gia có thể giải thích mọi hiện tượng căn bản liên quan đến ánh sáng trên thế giới ngày nay.

Bản Chất Của Chúa Giê-xu

Bản chất của ánh sáng thật khó hiểu.  Các khoa học gia lỗi lạc trên thế giới phải mất vài trăm năm nghiên cứu để tìm câu trả lời.  Chúa Giê-xu đến thế gian đã hơn 2000 năm.  Giăng giới thiệu Chúa Giê-xu là ánh sáng của thế gian. Sự thật về Chúa Giê-xu cũng gây tranh luận không kém gì cuộc tranh luận để tìm hiểu bản chất của ánh sáng. Chúa Giê-xu là ai?  Ngài là người hay là Đức Chúa Trời?

Đối với những người chưa tin Chúa, Chúa Giê-xu chỉ là một con người bình thường.  Ngài là một hiền triết, một giáo sư vĩ đại, một vĩ nhân, nhưng Ngài cũng chỉ là một con người.  Những người chưa tin Chúa không tin có Đức Chúa Trời.  Những người này tin rằng Chúa Giê-xu đã sinh ra trên đời này, Ngài giảng dạy và rồi Ngài chết đi như một người bình thường.  Vì không tin rằng Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, họ cho rằng Chúa Giê-xu không sống lại, Ngài cũng không làm phép lạ.  Những điều đó chỉ do những người tin Chúa thêu dệt thêm mà thôi.

Đối với một số người khác, như người Do Thái, họ tin rằng có Đức Chúa Trời là Đấng Chí Cao.  Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Năng, Ngài có thể làm được mọi sự.  Tuy nhiên, Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết, không ai có thể gặp Ngài mặt đối mặt.  Với suy nghĩ đó, người Do Thái không thể nào tin rằng Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời trở thành người.

Quan điểm của hai nhóm người trên hoàn toàn hợp lý dựa trên những hiểu biết của họ. Tuy nhiên những suy nghĩ đó phiến diện vì chỉ nhìn vấn đề theo một góc nhìn trong một khuông khổ nhất định.  Giống như các khoa học gia sống từ giữa thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19, khi tìm hiểu bản chất của ánh sáng, họ đã nghiên cứu và suy nghĩ rất hợp lý; nhưng do bị trói buộc trong quan điểm của vật lý cổ điển nên họ chỉ biết rằng ánh sáng có bản chất hạt hay bản chất sóng nhưng không thể nào có cùng một lúc hai bản chất.  Thuyết tương đối và thuyết lượng tử mở cho các khoa học gia một tầm nhìn mới, nhờ đó họ nhận biết vấn đề cách chính xác hơn.

Thánh Kinh cho chúng ta một cái nhìn trung thực, toàn diện và chính xác về bản chất của Chúa Giê-xu.  Phúc Âm Giăng giới thiệu Chúa Giê-xu có cả hai bản tánh:  Ngài vừa là Đức Chúa Trời và Ngài cũng là người; bởi vì Đức Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời trở thành người.  Chúa Giê-xu đã làm phép lạ.  Ngài đã sống lại và Ngài thăng thiên. Đây là những việc làm không có gì khó cho một Đức Chúa Trời Toàn Năng.

Trong phần mở đầu của Phúc Âm Giăng (1:1-18), tác giả đã gọi Chúa Giê-xu là Ngôi Lời.  Giăng nêu một số đặc điểm của Ngôi Lời.  Ngôi Lời có từ ban đầu (câu 1).  Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời (câu 1 & 2) và Ngôi Lời là Đấng Tạo Hóa (câu 3).   Giăng cũng cho biết Ngôi Lời chính là Đấng ban sự sống (câu 4).  Những đặc điểm trên chỉ có Đức Chúa Trời mới có.  Bằng phương pháp so sánh chứng minh, Giăng kết luận rằng Ngôi Lời là Đức Chúa Trời vì Ngôi Lời có những bản chất mà chỉ có Đức Chúa Trời mới có.

Tuy nhiên, Giăng không dừng ở đó.  Giăng cho biết Ngôi Lời đã trở thành người và Đấng đó chính là Chúa Giê-xu (câu 14-17).  Trong câu 2 và câu 18, Giăng lưu ý rằng Chúa Giê-xu vốn ở cùng Đức Chúa Trời từ ban đầu.  Ngài là Đấng Cứu Thế, là Đấng mà Giăng Báp-tít có trách nhiệm loan báo (câu 7 & câu 15).  Với bản chất của Chúa Giê-xu giống như Đức Chúa Trời, với lời xác nhận của Giăng Báp-tít một nhà tiên tri đầy uy tín vào thời ấy, Giăng muốn cho độc giả của ông biết rằng Chúa Giê-xu mặc dù đã sống trong thân xác con người nhưng Ngài chính là Đức Chúa Trời.  Ngài đã đến thế gian để cứu nhân loại.  Điều đáng tiếc là loài người đã chối từ Ngài.  Giăng viết:  “Sự sáng đã soi trong tối tăm nhưng tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng” (câu 5).

Khi nghiên cứu về ánh sáng, các khoa học gia khám phá một chân lý rất đơn giản rằng: dầu trong bóng tối dày đặt cỡ nào, khi ánh sáng chiếu lên, nơi đó sẽ có sự sáng.  Bóng tối không bao giờ thắng sự sáng nhưng sự sáng luôn thắng hơn bóng tối.  Khám phá đơn giản này chứng minh một chân lý quan trọng rằng Đức Chúa Trời luôn thắng hơn quyền lực của bóng tối và Sa-tan.

Ngành quang học phân loại những vật tiếp xúc với ánh sáng thành hai loại: vật phản quang và vật truyền sáng.  Vật phản quang tự nó không có ánh sáng nhưng phản chiếu lại ánh sáng đã truyền lên nó như mặt trăng phản chiếu ánh sáng mặt trời.  Vật truyền sáng có thể chia ra làm ba loại.  Loại thứ nhất trong suốt, như không khí, để ánh sáng truyền qua gần như hoàn toàn.  Loại thứ hai chỉ cho một phần ánh sáng truyền qua. Loại thứ ba là những vật bị mờ đục không cho ánh sáng chiếu qua.  Cách phân loại này mô tả những thực trạng khác nhau khi một người tiếp xúc với Chúa Giê-xu.  Thực tế cho thấy qua cuộc sống của nhiều người, người khác có thể thấy Chúa một cách dễ dàng.  Một số người khác, do cuộc sống của họ hơi mờ, nên chỉ có một phần bản chất của Chúa được chiếu qua.  Đối với một số người khác, không ai thấy Chúa khi nhìn phía bên kia cuộc đời của họ.

Khi giới thiệu Chúa Giê-xu là ánh sáng, bên cạnh việc giải thích Chúa Giê-xu có hai bản tánh, Giăng muốn nhấn mạnh đến một số ý nghĩa khác về ảnh hưởng của Ngài cho nhân loại.  Công dụng đầu tiên của ánh sáng được nhiều người biết là dùng để soi tỏ.  Ánh sáng giúp người ta thấy rõ mọi vật.  Có một thành ngữ nói rằng “Không có gì che giấu dưới ánh mặt trời.”  Người ta có thể không phân biệt chân giả trong bóng đêm nhưng sự thật sẽ phơi bày khi bình minh sáng tỏ.  Một trong những lý do Thánh Giăng cho biết người Do Thái đã không tiếp nhận Chúa Giê-xu vì họ sợ những xấu xa của họ bị phơi bày: “Sự sáng đã đến trong thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là xấu xa.  Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, e rằng công việc của mình phải trách móc chăng.” (Giăng 3:19-20).

Ánh sáng giúp cho người ta thấy rõ đường đi: “Nếu ai đi trong bóng đêm thì vấp, vì không có sự sáng.” (Giăng 11:10).  Đây là lý do vì sao Thi Thiên 119:105 ghi lại tâm nguyện của những người tin Chúa rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.”  Người sống trong bóng đêm nhờ sự sáng soi rõ đường đi, chắc không muốn bước vào vũng bùn hay bước vào những chỗ có thể vấp chân.  Khi đã tiếp nhận Chúa và được sống trong ánh  của Chúa, bản chất tự nhiên của người tin Chúa là muốn sống trong đường ngay lành, tinh sạch, và xa lánh tội lỗi.  Chúa Giê-xu phán: “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta chẳng đi trong nơi tối tăm nhưng có ánh sáng của sự sống.” (Giăng 8:12).

Ánh sáng còn mang ý nghĩa bảo vệ, che chở.  Ý nghĩa này được thể hiện qua hình ảnh về sự hiện diện của Chúa trong trụ lửa tại trại quân của người Do Thái trên hành trình về Đất Hứa (Xuất 13:21).  Sống trong sự dẫn dắt của Chúa, người tin Chúa sẽ được che chở, bình an.

Ánh sáng còn giúp cho người ta nhận định phương hướng.  Hải đăng được lập nên để hướng dẫn tàu vượt biển trong đêm khuya.  Sao Bắc Đẩu giúp tàu định hướng trong màn đêm giữa biển khơi mênh mông.  Giữa những đổi thay và hổn loạn của cuộc đời, Chúa Giê-xu là chân lý.  Ngài là tiêu chuẩn không dời đổi. Nhờ nương dựa vào Chúa, chúng ta có thể chọn đúng hướng đi cho cuộc đời mình.

Sự sáng cũng là yếu tố quan trọng mang lại sự sống.  Trong quá trình quang hợp, lá cây đón nhận ánh mặt trời, biến nước và các khoáng chất thành nhựa sống nuôi cây cỏ.  Từ thực vật, các động vật có thực phẩm để ăn và oxygen để thở.  Nhờ sự sáng mà sự sống tồn tại trên trái đất.  Thánh Giăng nêu lại mối quan hệ hữu cơ giữa sự sáng và sự sống: “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người.” (Giăng 1:4).

Ánh sáng cũng là biểu tượng của niềm hy vọng.  Hy vọng thường được diễn tả như một người lạc lối trong đêm thấy được ánh đèn.  Ánh sáng soi trong đêm giúp cho người đang lạc lối, tuyệt vọng có được hy vọng tìm ra lối thoát.  Thánh Kinh Cựu Ước ghi: “Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy sự sáng lớn, và sự sáng đã chiếu trên những kẻ thuộc về bóng của sự chết.” (Ê-sai 9:1).

Ánh sáng cũng mang lại năng lượng và sức nóng. Trong kỹ thuật, ánh sánh mặt trời đã được chuyển thành năng lượng và được dùng rộng rãi khắp nơi.  Trong văn học, hình ảnh một bếp lửa trong đêm cơ hàn diễn tả một niềm an ủi giữa hoàn cảnh khó khăn.

Chúa Giê-xu được Sứ Đồ Giăng mô tả Ngài là sự sáng của thế gian.  Khi Chúa Giê-xu đến thế gian, Ngài mang lại niềm hy vọng cho nhân loại.  Ngài là ánh sao mai báo hiệu bóng đêm khổ đau sẽ qua và bình minh của sự cứu rỗi đang đến.  Ngài là “trụ lửa” dẫn dân Ngài về Đất Hứa.  Ngài như ngôi sao lạ soi trong đêm trường hướng dẫn các bác sĩ thấy rõ đường đi. Chúa Giê-xu là sự sáng vì Ngài chỉ cho con người con đường đến với Đức Chúa Trời.  Ngài chính là con đường dẫn đến sự cứu rỗi.

Chúa Giê-xu cũng là mặt trời sáng lạng đã xua tan bóng đêm mà tiên tri Ê-sai mô tả trong Ê-sai 9:1.  Ánh sáng là biểu tượng của sự chiến thắng, là biểu tượng của sự sống.  Bóng đêm của gạt gẫm, của tội lỗi, của sự chết, của thất vọng, của khổ đau sẽ không còn nữa.  Trong ánh sáng của Chúa, con người sẽ được sống trong hạnh phúc, bình an.

Chúa là ánh sáng của sự sống.  Như ánh mặt trời làm nẩy nở hạt giống, nuôi sống cây xanh, những đức tánh tốt đẹp dường như đã chết trong lòng nhiều người trước kia, giờ đây được sống lại nhờ ánh sáng của Chúa.  Chúa Giê-xu cũng chính là nguồn sáng mang lại sự sống đời đời, vì nhờ tin Ngài mà con người nhận được sự sống vĩnh cữu.

Chúa Giê-xu là sự sáng của an ủi và niềm hy vọng.  Biết bao sự kiện ghi lại trong Phúc Âm và trong lịch sử nhân loại suốt 20 thế kỷ qua đã chứng minh điều đó.  Nỗi tuyệt vọng, khổ đau của người góa phụ tại thành Na-in đã biến thành niềm vui.  Những khổ nhục của Ma-ri Ma-đơ-len; những dằn vặt vì bị người đời hất hủi của Xa-chê đã nhường chỗ cho sự vui mừng vì Đấng An Ủi, Yêu Thương đã đến với họ.

Chúa Giê-xu là sự sáng vì khi Chúa đến Ngài phơi bày sự thật.  Có nhiều sự thật mà người đời không muốn cho người khác biết.  Kinh Thánh cho biết người Pha-ri-si chống đối Chúa “vì những việc làm của họ là xấu xa.”  Đó là lý vì sao những thầy thông giáo và người Pha-ri-si ghét Chúa và tìm cách giết Ngài.

Điều đáng tiếc cho nhân loại, mà Thánh Giăng mô tả, là “Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng” (câu 5)  và “Ngài đã đến trong xứ mình song dân mình chẳng hề nhận lấy” (câu 11).  Ngoài một số người đã phản ứng như những người Pha-ri-si ngày xưa, nhiều người không chịu tin Chúa vì nói rằng họ không thấy Ngài.  Nếu ai chỉ Chúa cho họ thì họ sẽ tin.  Một số khác cho rằng họ chưa hoàn toàn hiểu rõ những dạy dỗ về Chúa trong Thánh Kinh nên họ không thể tiếp nhận Ngài.

Khi nghiên cứu về ánh sáng, các khoa học gia cho biết ánh sáng có tần số rất rộng nhưng mắt người chỉ có thể thấy ánh sáng trong tần số từ 3500-8000 Amstrong mà thôi.  Kết quả này cho biết con người chỉ có thể thấy một phần của ánh sáng.  Cũng vậy, không ai hiểu thấu được Đức Chúa Trời là Đấng Vô Hạn. Con người hữu hạn chỉ có thể hiểu một phần về Đức Chúa Trời.  Từ khi Newton nêu lý thuyết đầu tiên về ánh sáng, phải mất hơn 300 năm con người mới hiểu thêm một ít về ánh sáng.  Không một ai trong thời gian đó chờ hiểu rõ về ánh sáng rồi mới sử dụng ánh sáng.  Cũng vậy, chúng ta không cần hiểu rõ hoàn toàn về Chúa Giê-xu mới tin nhận Ngài.  Phước thay cho ai mở lòng ra tiếp nhận Chúa Sự Sáng và Sự Sống vào trong lòng mình.  Hy vọng, niềm vui, sự bình an, sự cứu rỗi và sự sống sẽ tuôn tràn trong đời sống của người có Chúa.

Phước Nguyên

Linh Lực (12/1999)
Thư Viện Tin Lành (12/2012)

 

 

 

 

 

 

 

 

Comments (3)

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top