Thư Viện Tin Lành: Trang Nhà » Âm Nhạc » Âm Nhạc và Niềm Tin

Âm Nhạc và Niềm Tin

Niềm tin Cơ Đốc là một niềm tin gắn liền với sự ca hát.  Người tin Chúa ca hát để ngợi khen Đức Chúa Trời, để bày tỏ đức tin của mình, để bộc lộ sự vui mừng khi được ở trong ân sủng lạ lùng của Chúa, để có thêm sức mạnh trong những nghịch cảnh, để nhận được sự an ủi trong những lúc buồn rơi nước mắt, để khích lệ nhau trên hành trình thuộc linh . . .

Thánh ca đối với người tin Chúa không phải là việc dùng âm nhạc để giải trí nhưng mang nhiều ‎ ý nghĩa thuộc linh sâu sắc.  Những bài thánh ca trên môi miệng là sự trào dâng của niềm tin trong lòng.  Một hội thánh đầy sức sống thuộc linh là một hội thánh biết dành một phần quan trọng trong đời sống của mình cho những bài thánh ca.  Quả thật, sự ca hát đối với tín hữu Cơ Đốc là một quà tặng đẹp đẽ từ Đức Chúa Trời.  Cũng như những bà mẹ đã nuôi con lớn trong làn điệu của những bài hát ru con, Đức Chúa Trời đã nuôi dưỡng cho dân sự Ngài lớn lên về thuộc linh một phần cũng nhờ ý nghĩa và sự đẹp đẽ của những bài thánh ca.

Đức Chúa Trời chắc chắn là yêu thích cái đẹp vì Ngài là Đức Chúa Trời của Chân, Thiện, Mỹ.  Một trong những cái đẹp tuyệt vời mà Đức Chúa Trời đã dựng nên và ban cho cõi tạo vật của Ngài là âm nhạc.  Ngài đặt âm nhạc trong con người, trong muôn thú, và trong cả cõi thiên nhiên.  Hãy lắng nghe tiếng gió thổi vi vu, tiếng suối reo róc rách, tiếng dòng sông cuồn cuộn, tiếng sóng vỗ rạt rào, tiếng chim kêu thánh thót, tiếng vượn hú xa xôi, tiếng núi rừng xào xạt . . . chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của âm nhạc thiên nhiên mà con người hình như không đủ ngôn từ để diễn đạt.  Một tiết tấu trổi lên, dù chỉ là dưới hình thức đơn giản nhất ví dụ như những tiếng gõ nhịp nhàng,  cũng đủ mời gọi một sự cộng hưởng của những giai điệu tiềm ẩn trong bản chất của con người. Những nhịp chân hay những tiếng vỗ tay tự phát để hòa theo một khúc nhạc là bằng chứng hiển nhiên cho bản năng âm nhạc đó.

Cũng như những nghệ thuật chân chính khác, âm nhạc khi được sử dụng với mục đích đúng đắn sẽ là một sự đáp ứng tích cực đối với khuôn mẫu và trật tự của công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời.  Có thể nói rằng cả vũ trụ, mỗi chủng loài theo cách riêng của mình, đã dùng âm nhạc để đáp ứng lại sự vinh hiển, tình yêu và ân sủng của Đức Chúa Trời.   Trong quyển “The Anatomy of Melancholy” (1621), Robert Burton đã nói về tác động của âm nhạc như sau: “Nói một cách ngắn gọn, âm nhạc là một điều mạnh mẽ đến nỗi nó có thể xoa dịu linh hồn—nữ hoàng của những cảm giác—bằng một cảm giác vui thích ngọt ngào . . . những âm điệu được kết hợp hài hòa có thể mang lại sự bình an cho những linh hồn đang bất an . . . không chỉ có con người là cảm nhận được âm nhạc . . . kinh nghiệm thông thường cho thấy cả loài cá cũng bị tác động bởi âm nhạc.  Tất cả những loài chim biết hót biểu lộ một sự say mê âm nhạc, nhất là loài chim . . . loài ong bé nhỏ cũng không là ngoại lệ; một âm thanh réo rắt có thể triệu tập một đàn ong đang bay hổn loạn . . . và những hòn đảo trôi dạt ở giữa những hồ nước Lydia (nếu bạn tin vào điều này) sẽ cùng nhau khiêu vũ mỗi khi âm nhạc trỗi lên.”

Sức mạnh của âm nhạc thật là đa dạng.  Âm nhạc có thể chỉ đơn thuần là mang lại sự giải trí, nhưng nhiều lúc nó cũng có thể chứa đựng sức mạnh để cổ vũ, khích lệ, thúc đẩy, và chữa lành.  Trong phạm vi thuộc linh, những câu chuyện liên quan đến âm nhạc được chép lại trong Cựu và Tân Ước, cộng thêm những kinh nghiệm trong hai ngàn năm lịch sử của Hội Thánh, đã cho thấy những sức mạnh chính của âm nhạc:  ngợi khen và khám phá Đức Chúa Trời, thuyết phục con người về tình yêu của Ngài, và mang lại sự chữa lành.  Có lẽ tất cả chúng ta đều quen thuộc với bài ca “Vượt Biển Đỏ” của Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên, bài chúc tụng của nữ tiên tri Mi-ri-am (Xuất 15), những bài hát mừng chiến thắng của Đa-vít (I Sa. 18), những bài Thi Thiên được hát trong khung cảnh thờ phượng của dân sự Chúa thời Cựu Ước, những bài “tình ca” mang đầy tính tiên tri và thần học của Vua Sa-lô-môn, v.v. . .

Dấu vết của âm nhạc cũng không thiếu trong Tân Ước.  Dù được viết với mục đích chính là để trình bày chương trình cứu chuộc vĩ đại của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại qua Chúa Giê-su, nhưng những trước giả Tân Ước hoặc những nhân vật được đề cập đến trong đó đã không quên sử dụng vẻ đẹp của những bài hát hoặc để ngợi khen Đức Chúa Trời hoặc để bày tỏ một khải tượng mầu nhiệm mà có lẽ họ không còn đủ ngôn từ bình thường để diễn tả.  Có lẽ chúng ta sẽ không thể bỏ qua bài ca của Ma-ri, của Xa-cha-ri, của Si-mê-ôn khi đọc Phúc Âm Giăng, sẽ cùng rung động với Phao-lô khi ông dùng lời ca để diễn tả vẻ đẹp lạ lùng của sự hạ mình của Đấng Christ (Phi-líp 2), sẽ choáng ngợp trước những cảnh tượng siêu nhiên trong sách Khải Huyền khi những thiên thần, thiên sứ, các thánh đồ  . . . thờ phượng trước ngôi Đức Chúa Trời bằng những khúc thiên ca.

Trong hai mươi thế kỷ kể từ ngày khai sinh của Hội Thánh, hàng ngàn bài thánh ca đã lần lượt ra đời để nối tiếp truyền thống âm nhạc của Thánh Kinh, để ngợi khen và khám phá Đức Chúa Trời, để giải bày lẽ thật của niềm tin Cơ Đốc, để bày tỏ tình yêu của con người đối với Chúa, và để mang lại niềm an ủi cũng như sự khích lệ cho con dân Chúa trong cuộc hành trình tâm linh của mình.  Tưởng cũng cần nên biết là trong những thế kỷ đầu tiên của Hội Thánh, thánh ca được định nghĩa một cách hạn hẹp như là “một bài ca chứa đựng lời ngợi khen Đức Chúa Trời” (Augustine–thế kỷ thứ 4).  Nhưng trong những thế hệ tiếp theo, thánh ca đã vượt khỏi giới hạn này để đóng những vai trò phong phú và đa dạng hơn trong sự thờ phượng của Hội Thánh cũng như trong đời sống đức tin của tín hữu như đã đề cập đến ở trên.

Thánh ca trong sự ngợi khen và khám phá Đức Chúa Trời

Trong mối quan hệ giữa con người và Đức Chúa Trời, chúng ta có thể nói là âm nhạc đóng vai trò của một chiếc cầu nối đặc biệt, là một thứ “ngôn ngữ” đặc biệt để con người tương giao với Ngài.  Một mặt, nó giúp cho con người đến gần với Đức Chúa Trời để cảm nhận được vẻ đẹp của Ngài, và mặt khác nó trao tặng cho con người một phương tiện để nhờ đó họ có thể dâng cho Ngài sự vinh hiển.

Bản tuyên ngôn đức tin Westminster (Westminster Confession) khẳng định: “Mục đích chính và tối hậu của cuộc sống con người là làm vinh hiển Đức Chúa Trời và tận hưởng Ngài cho đến mãi mãi.” Sự “tận hưởng” Đức Chúa Trời bắt đầu với đặc ân khám phá chính Ngài.  Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại một mặc khải đặc biệt để qua đó con người có thể hiểu về bản chất của Ngài: Chúa Giê-su, Con Độc Sinh của Ngài.  Nhưng bên cạnh mặc khải đặc biệt đó, Đức Chúa Trời còn bày tỏ chính Ngài qua mặc khải tự nhiên.  Cảm xúc trước vẻ đẹp phi phàm của cõi tạo vật do Đức Chúa Trời dựng nên, Đa-vít đã viết “các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giãi tỏ công việc tay Ngài làm. Ngày nầy giảng cho ngày kia, đêm này tỏ sự tri thức cho đêm nọ” (Thi Thiên 19). 

Âm nhạc là một trong những phương tiện của mặc khải tự nhiên để nhờ đó con người hiểu thêm về bản chất tốt đẹp của Ngài.  Khi thực sự tiếp cận với âm nhạc (hoặc sáng tác hoặc thưởng thức với tất cả tâm hồn) theo định hướng này, con người đang dự phần vào bản chất sáng tạo của Đức Chúa Trời, và nhờ đó mà con người có thể “đồng cảm” với Ngài để có thể hiểu thêm về Ngài.  Chính vì lý do này mà thánh ca có một sức mạnh lớn lao trong việc đưa con người đến gần hơn với Đức Chúa Trời.

Ngoài việc đóng vai trò con đường đưa con người đến với Đức Chúa Trời, thánh ca còn là món quà do con người dâng lên để tôn vinh Đức Chúa Trời.  Chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ rất vui lòng khi con người biết sử dụng món quà âm nhạc Ngài ban cho để sáng tạo thành những bài hát, những bản nhạc . . . để tôn vinh, chúc tụng Ngài. Theo lời của Walter Savage Lander, “Âm nhạc là món quà tặng của Đức Chúa Trời ban cho loài người, là nghệ thuật duy nhất mà thiên đàng đã trao cho trái đất, và cũng là nghệ thuật duy nhất mà chúng ta mang vào thiên đàng.”   Có lẽ ông đã hơi thiên vị (vì là một nhạc sĩ), nhưng lời phát biểu của ông hàm chứa nhiều sự thật.

Thánh ca trong việc giải bày lẽ thật về Đức Chúa Trời

Những sứ điệp truyền đạt qua những bài thánh ca đã có một sức mạnh lớn lao trong việc thuyết phục con người về tình yêu Thiên Chúa và chương trình cứu rỗi của Ngài.  Những sử gia của Hội Thánh đã khẳng định rằng nhà cải chánh giáo hội lỗi lạc Martin Luther đã đem người đến với Chúa qua việc khuyến khích sự ca hát của Hội Thánh còn nhiều hơn là qua việc giảng và dạy mạnh mẽ của ông.  Khi nói về anh em John và Charles Wesley, người ta tin rằng cứ mỗi một người họ đưa về với Chúa qua những bài giảng của họ thì có mười người đã tin Chúa nhờ những bài thánh ca của họ.  Dwight L. Moody đã nhận xét: “Những bài thánh ca đã có một sức mạnh lớn lao, ít nhất cũng ngang bằng những bài giảng, trong việc tạo một ấn tượng sâu sắc trong người nghe về lẽ thật của Lời Chúa.” 

Kể từ thời kỳ cải chánh giáo hội ở thế kỷ 16 cho đến thời kỳ cận đại, những bài thánh ca đã trở thành những phương tiện thuộc linh mạnh mẽ để chuyển tải lời Chúa đến cho người nghe.  Chúa đã đại dụng những bài thánh ca do Martin Luther, Isaac Watts, Charles Wesley, John Newton, Ira Sankey, Philip Bliss, Fanny Crosby, John Peterson, . . . để kêu gọi người chưa tin Chúa, để cảm hóa và khai trí tín đồ, và để thổi bùng lên những ngọn lửa phục hưng.

Ngày hôm nay, Chúa vẫn tiếp tục dùng ân tứ sáng tác của những nhạc sĩ Cơ Đốc đương thời để chạm đến những linh hồn hư mất, để ban thêm sức mạnh cho các tín hữu thuộc mọi thế hệ ở khắp nơi trên thế giới.  Chúa đã hà hơi cho các nhạc sĩ chuyên nghiệp như Tim Hughes, Chris Tomlin, Rebecca St. James . . . của Hoa Kỳ để viết nên những bài nhạc Praise đầy cảm xúc, đem lại một luồng sinh khí mới cho sự thờ phượng của thế hệ trẻ hôm nay.  Chúa đã cảm động cô thôn nữ không biết gì về nhạc lý Xiaomin viết nên những “Bài Hát Ca-na-an” để chạm đến cuộc đời của hàng chục triệu tín đồ ở Trung Hoa.  Chúa cũng đã dùng những nhạc sĩ Việt Nam như Lê Ngọc Vinh, Lê Phước Thiện, Trần Thượng Trí . . . để sáng tác những bài hát mang hơi hướng của âm nhạc dân tộc để đưa sứ điệp của Ngài đến với tín hữu và đồng bào người Việt.

Âm Nhạc và Sự Chữa Lành

Sức mạnh của âm nhạc trong việc mang lại niềm an ủi, sự khích lệ, và sự chữa lành thật rõ ràng.  Chúng ta đọc thấy trong I Sa-mu-ên 16: “Thần của Đức Giê-hô-va lìa khỏi Sau-lơ; Đức Giê-hô-va bèn khiến một ác thần khuấy khuất người. Tôi tớ của Sau-lơ nói cùng người rằng: ‘Nầy có một ác thần mà Đức Chúa Trời khiến đến khuấy khuất vua.  Xin chúa chúng tôi hãy biểu những tôi tớ đứng chầu chúa tìm một người biết gảy đàn, để khi nào Đức Chúa Trời sai ác thần đến chúa, thì người đó sẽ gảy đàn, và chúa sẽ được an ủi . . . Đa-vít đến nơi Sau-lơ, bèn ra mắt người . . . Vậy, khi Đức Chúa Trời khiến ác thần nhập vào Sau-lơ, thì Đa-vít lấy đàn và gảy. Sau lơ bèn được an ủi, lành mạnh, và ác thần lìa khỏi người.”

Câu chuyện Thánh Kinh này nói lên một điều quan trọng về sức mạnh của âm nhạc: nó có khả năng xuyên thấu vào tâm hồn ở những nơi những lúc mà những lực lượng khác phải thất bại; nó có thể phá vỡ những rào cản nội tâm một cách trực tiếp và ngay tức khắc để tác động lên lòng người.  Bản chất bí ẩn của tiến trình này vẫn còn tiếp tục làm kinh ngạc những triết gia, những nhà tâm lý, và những nghệ sĩ sáng tác.  Có lẽ âm nhạc đã tìm thấy một con đường êm dịu, nhỏ nhẹ thuộc phạm vi tiềm thức để đi vào lòng người khi mà con đường của ngôn ngữ bình thường đã bị chận đứng trước những bức tường của sự khủng hoảng, sự đau khổ tột cùng, hay tình trạng rối loạn không còn làm chủ được bản thân mình.

Dù chúng ta không thể lý giải rõ ràng về sức mạnh của âm nhạc trong sự chữa lành, nhưng có một điều chắc chắn là những bài thánh ca đã mang lại sự an ủi và bình an vô tận cho con cái Chúa trong những hoàn cảnh đau thương, đã thêm sức mạnh cho họ trong những lúc mỏi mệt trên con đường theo Chúa.  Trong đau thương tột cùng khi bốn người con gái của ông chết trong một tai nạn đắm tàu, Horatio G. Spafford đã tìm thấy nguồn an ủi khi viết lên bài thánh ca “Tâm Linh Tôi Yên Ninh Thay” (It Is Well With My Soul).  Chúa đã tiếp tục đại dụng bài thánh ca này như một cánh tay bình an của Ngài để mang đến sự an ủi cho vô số con cái Ngài đang ở trong những hoàn cảnh đau thương, tuyệt vọng sau đó.  Bài thánh ca “Ơn Lạ Lùng” (Amazing Grace) do John Newton viết nên như một lời thống hối của một tội nhân (ông một thời đã tham dự vào việc buôn nô lệ dã man ở châu Phi trong thế kỷ 19) và lời ca tụng ân điển và sự cứu chuộc lạ lùng của Chúa dành cho một kẻ không xứng đáng như ông.  Từ thế hệ này sang thế hệ khác, bài thánh ca này đã tiếp tục mang ánh sáng hy vọng đến cho những linh hồn tội nhân đang ngập chìm trong bóng tối, khích lệ họ trở về với ơn cứu chuộc của Cứu Chúa Giê-su.  Những “Bài Hát Ca-na-an” do cô thôn nữ Xiaomin viết nên dưới sự thần cảm lạ lùng của Chúa đã đem lại sức mạnh phi thường cho hàng chục triệu tín đồ Trung Hoa để họ có thể đối diện với sự bắt bớ trong một thế giới vô thần. Trên đây chỉ là một phần rất nhỏ trong kho tàng thánh ca của Hội Thánh, và lịch sử của Hội Thánh đã là nhân chứng cho sức mạnh lạ lùng của những bài thánh ca như vậy.  Về phương diện sống đạo cá nhân, chắc chắn là trong chúng ta ai cũng có những kinh nghiệm ngọt ngào đối với những bài thánh ca mà mình yêu thích, đó là những lúc chúng ta đã được Chúa an ủi và thêm sức trong những khi bối rối, được Chúa chữa lành trong những hoàn cảnh đau thương.

Cảm tạ Chúa vì những bài thánh ca mà Chúa đã ban cho Hội Thánh.  Đó là những đóa hồng tô điểm cho món quà vô giá mà Đức Chúa Trời đã ban cho: sự cứu chuộc trong Chúa Giê-su và sự hy sinh cao cả của Ngài dành cho nhân loại.  Bạn thân mến, hãy cùng nhau hát những bài thánh ca để cảm nhận được sự gần gủi của Chúa, để bộc lộ sự đầy tràn của tâm tình yêu mến đối với Ngài, để nhận được quyền năng của Đức Thánh Linh, để khích lệ nhau trong cuộc hành trình tâm linh trong những ngày trên đất.  Mong thật hết lòng.       

Mục sư Nguyễn Mạnh Cường

 

 

Leave a Comment

You must be logged in to post a comment.

©2012-2023 by Thư Viện Tin Lành

Scroll to top