Luật Yêu Thương
Bài Dự Thi Truyện Ngắn Hướng Đi
Luật Yêu Thương
Hôm ấy vẫn như mọi ngày, Thầy lại cùng với những học trò của mình đi dạy khắp các vùng miền. Những người theo học với Thầy lạ lắm, có em bé mới lên ba cũng có những cụ đã trạc thất tuần, thế mà họ vẫn hớn hở từ khắp mọi làng mạc, tụ họp lại để nghe Thầy dạy dỗ.
Chẳng biết từ đâu mà thầy dạy dỗ những điều thật lạ, thật hay, thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy cách sống, dạy cách làm người. Những người đến nghe thầy dạy cũng thuộc mọi tầng lớp, giàu có, nghèo có, sang có, hèn có. Có người đến nghe lấy làm thích thú về những gì thầy dạy dỗ, nhưng cũng có người đến để tìm dịp mà hỏi những câu hỏi hóc búa nhằm bắt lỗi thầy.
Thầy chẳng hề có một bằng cấp nào nhưng lời Thầy dạy thật có quyền, cả đến những vị giáo sư lỗi lạc nơi ấy cũng đến tìm Thầy để được nghe lời dạy dỗ. Thầy tài thế, vất vả thế nhưng ngạc nhiên thay, Thầy chẳng có gia tài nào hết, cả đến một chỗ ở cố định cũng không. Thầy thường đi đây đi đó để dạy dỗ mọi người, và Thầy thường bảo các học trò mình rằng :”Con cáo có hang, chim trời có tổ song Thầy chẳng có chỗ gối đầu”.
Thầy tội lắm! Thầy dạy chỉ vì tình thương với mọi người, Thầy chẳng hề đòi hỏi một chút tiền công nào. Vậy mà hễ thấy ai mệt, ai đói, Thầy lại bảo các học trò mình hãy tìm cách giúp đỡ và cho họ ăn uống.
Lời Thầy dạy khác với những giáo sư của các trường lúc bấy giờ, Thầy dạy đơn giản, dễ hiểu. Trong khi những giáo sư dựa vào sử sách, họ bảo rằng luật từ xưa đến giờ là “mắt đền mắt, răng đền răng” còn Thầy dạy mọi người hãy lấy tình yêu thương mà sống chan hòa với nhau, hễ ai ghét mình giận mình thì phải biết tha thứ và yêu thương họ, giúp đỡ họ và cố gắng ở trong vị trí họ để hiểu họ. Thầy bảo rằng nếu các con muốn người khác làm điều gì cho mình thì hãy làm điều đó cho họ trước. Thầy dạy một luật mới đó là luật yêu thương, yêu thương là chìa khóa đem đến thành công trong mọi sự…
Vì thế, số người đến với Thầy để nghe Thầy dạy dỗ mỗi lúc một đông, mặc dầu không có một căn phòng khang trang rộng rãi nhưng mọi người lại rất trật tự, chăm chú nghe thầy giảng. Nhưng cũng bởi đó mà Thầy Mesia gặp phải nhiều điều rắc rối. Một số đông những giáo sư trong vùng bắt đầu tỏ ra ghen ghét thầy, họ nghĩ thầy “dụ dỗ” học trò của họ, và thế là họ hiệp nhau định tội thầy “phản luật pháp” rồi tìm mọi cơ hội để hạ nhục Thầy trước mọi người, nếu có thể được thì bắt tù Thầy.
Đang trong khi Thầy dạy về “luật yêu thương” thì họ đến trước mặt Thầy và đem theo một người phụ nữ bị bắt trói. Trước sự sững sờ của dân chúng và cái nhìn cay độc của của những người phản đối, Thầy chỉ yên lặng, không nói gì, cúi đầu viết những chữ khó hiểu trên đất. Thế là họ càng lấn tới, khuôn mặt hằm hở, dõng dạc hỏi mà như ra lệnh:”Thưa Thầy, chúng tôi vừa bắt quả tang người phụ nữ này phạm tội ngoại tình, theo luật cô ta phải bị ném đá cho đến chết, còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
Một cái bẫy đã được giăng ra, nếu Thầy bảo hãy tha cho người phụ nữ ấy, tức là Thầy ngang nhiên chống lại luật pháp, hẳn Thầy sẽ bị bỏ tù. Còn nếu Thầy bảo hãy làm theo lời các ngươi, ném đá cô ấy thì luật yêu thương Thầy dạy ở đâu?
Thầy im lặng, khuôn mặt Thầy hết sức điềm tĩnh, Thầy vẫn ngồi đó, tiếp tục viết, không nói gì. Tưởng như đã làm khó được “Người dân chúng ủng hộ”, bọn họ vẫn cứ tiếp tục gào thét, đòi Thầy trả lời. Sau một hồi yên lặng, Thầy đứng dậy – giọng nhẹ nhàng nhưng cũng thật cứng rắn :”Ai trong quý vị cảm thấy mình là người vô tội, hãy ném đá người phụ nữ ấy trước đi”.- Nói rồi Thầy lại ngồi xuống và im lặng.
Câu hỏi mà cứ như câu trả lời ấy đã làm bầu không khí thay đổi hẳn, những tiếng ồn ào nhốn nháo lúc nãy giờ đã biến thành một không gian tĩnh lặng. Chẳng ai bảo ai, cũng không ai dám nhìn vào mặt người khác, rồi cả bọn bắt đầu kéo nhau ra về. Người lớn tuổi về trước, những người trẻ tuổi theo sau thành một đoàn người tĩnh lặng. Sự hớn hở lúc đến đã tan biến, chỉ con lại trên khuôn mặt họ sự đăm chiêu, suy nghĩ một cái gì đó dường như mơ hồ mà lại cụ thể, gần gũi với họ hằng ngày.
Còn người phụ nữ ấy vẫn ở đó, vẫn đứng im, vẫn âm thầm bởi cô ấy biết mình là một người tội lỗi. Ngẩng mặt lên, thấy chỉ còn lại người phụ nữ đứng đấy, Thầy lại gần và hỏi :”Những người bắt tội cô đâu hết rồi?” – “Thưa thầy, họ về rồi ạ!” – Người phụ nữ đáp lại với giọng ngậm ngùi – “Thế họ không bắt tội cô nữa sao? Vậy thì ta cũng không bắt tội cô đâu! Hãy đi và đừng phạm tội nữa”.
Lớp học hôm đó thật đặc biệt. Tình huống ấy, câu chuyện ấy diễn ra trước mắt mọi người thật là một bài học sống động cho hết thảy. Câu nói của Thầy với đám đông cũng như với người phụ nữ làm cho ai nấy phải suy nghĩ. Tất cả mọi người đều hiểu rằng, trên cuộc sống này chẳng có ai là hòan hảo cả, nếu kể tội thì cũng không ai có thể kể hết. Trên khuôn mặt của đoàn người ra về, có lẽ không nói ra nhưng chắc hẳn họ đang nhớ về mỗi ngày trong cuộc đời của họ. Dường như họ tìm mọi cách để bắt tội mọi người nhưng chưa bao giờ họ dành thời gian suy nghĩ về những lời nói, những hành động của chính mình. Giờ đây, họ đã nhìn nhận lại chính bản thân mình, họ có cảm giác rằng mình cũng chẳng khác gì với những người mà biết bao ngày mình vẫn xem thường họ.
Bài học về tình thương và sự tha thứ mà Thầy dạy đã ăn sâu vào lòng của những người có mặt ngày hôm ấy. Và bài học đó vẫn còn đang đi vào tấm lòng của mỗi người được nghe, được đọc đến.
Cuộc sống này thật tươi đẹp, muôn màu muôn vẻ với biết bao sự việc xảy đến, có những niềm vui, nỗi buồn, dẫu có sự tranh luận, cãi vã, nhưng trên hết mọi sự đó hãy sống với nhau bằng tình yêu thương, sự sẻ chia, tha thứ và khuyên bảo. Riêng người phụ nữ ây vẫn luôn nhớ mãi câu nói của Thầy: ”Hãy đi và đừng phạm tội nữa”.
Khởi Nguyên